22/02/2023

2003

Sinh viên DNU thực hành sơ cấp cứu ngay trên giảng đường

Với sứ mệnh “Đào tạo để người học ra trường có cuộc sống tốt và là công dân tốt”, trường Đại học Đại Nam tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên không chỉ được đào tạo về kiến thức chuyên môn mà còn được rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng “sinh tồn” thông qua các hội thảo, tọa đàm, trải nghiệm thực tế… Hội thảo “Cung cấp kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho sinh viên trường Đại học Đại Nam” là một trong những hoạt động nằm trong chủ trương đó của Nhà trường.

Về phía nhà trường là sự tham dự của toàn thể cán bộ nhân viên sinh viên khối Sức khỏe và sinh viên của các khoa được mời tham gia.

Về phía Công ty cổ phần dịch vụ Safi có: Bà Nguyễn Thị Thu Nhài – Phó Giám đốc; ThS. BS. Hoàng Đức Vinh – Giảng viên; BS. Nguyễn Văn Bình – Giảng viên; BS. Trịnh thị Khánh – Giảng viên; BS. Hà Thị Sang – Giảng viên.

Cung cấp kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho sinh viên là cần thiết

Phát biểu tại chương trình, thầy Lê Văn Duy - Trưởng khoa Điều dưỡng trường Đại học Đại Nam cho biết: Thoát hiểm, sơ cấp cứu là những kỹ năng phải phổ cập cho mọi người để áp dụng khi cần thiết; không nên quá phụ thuộc vào nhân viên y tế bởi tính mạng con người có thể gặp nguy chỉ sau một vài giây.

“Chúng tôi hy vọng Hội thảo không chỉ góp phần nâng cao kỹ năng về chuyên môn cho sinh viên khối Sức khỏe mà còn cung cấp kiến thức, kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho sinh viên trường Đại học Đại Nam. Sau chương trình, các em sẽ nắm được kỹ thuật sơ cứu cơ bản để kịp thời xử trí các tình huống về hồi sức tim phổi…”

Thầy Lê Văn Duy khẳng định: Dạy kỹ năng sơ cấp cứu cho giảng viên, sinh viên là cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Thu Nhài nhận định: Hầu hết các sự kiện trong và ngoài trường học đều tập trung đông người và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Tuy nhiên, giới trẻ Việt lại ít quan tâm đến vấn đề này và chưa được trang bị các kiến thức thoát hiểm trong đám đông, kỹ năng sơ cứu. Chính vì vậy, khi tình huống khẩn xảy ra, nạn nhân không được sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách sẽ dẫn đến nguy hiểm về tính mạng.

“Trên thực tế, não sẽ chết sau khi tim, phổi ngừng sau 4 phút. Não chết hoàn toàn sau 10 phút. Trong khi đó, xe cấp cứu phải mất nhiều thời gian mới đến nơi. Nếu chúng ta có kỹ năng sơ cấp cứu thì khả năng cứu sống nạn nhân sẽ cao hơn. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn sau hội thảo, thầy cô và sinh viên trường Đại học Đại Nam cùng chung tay với Safi chia sẻ kiến thức sơ cấp cứu đến nhiều người; cùng tạo dựng một cộng đồng an toàn, lành mạnh”, bà Thu Nhài chia sẻ.

Bà Thu Nhài mong muốn: Các kỹ năng sơ cấp cứu sẽ được thầy – trò DNU chia sẻ và lan tỏa đến những người xung quanh.

Những điều cần lưu ý khi sơ cứu và thoát hiểm trong đám đông

Tại chương trình, ThS. BS. Hoàng Đức Vinh trực tiếp chia sẻ kỹ năng thoát hiểm trong đám đông cho thầy cô và sinh viên.Theo đó, khi đến bất cứ địa điểm nào, hãy tìm và ghi nhớ các lối thoát hiểm bởi khi xảy ra sự cố, lối chính thường không phải lối thoát tối ưu; giữ bình tĩnh, không la hét để tránh hoảng loạn; luôn giữ cho đôi chân của mình thật vững; không di chuyển ngược chiều đám đông; không được chạy vì chạy dễ bị vấp ngã; giữ hai tay trước ngực để tạo khoảng không cho lồng ngực, tránh lồng ngực bị ép chặt quá phổi sẽ không mở ra để thở được.

Đồng thời, ThS. BS. Hoàng Đức Vinh cũng chia sẻ và tập huấn kỹ năng sơ cứu cơ bản cho giảng viên, sinh viên trường Đại học Đại Nam. Đặc biệt nhấn mạnh về kỹ thuật cấp cứu ngừng tim, phổi (CPR).

ThS. BS. Hoàng Đức Vinh chia sẻ kỹ năng sơ cấp cứu cho giảng viên, sinh viên Nhà trường.

ThS. BS. Hoàng Đức Vinh cũng lý giải lý do tại sao cần phải ép tim, vị trí ép tim, tư thế thực hiện, cách ép tim cho trẻ em và người lớn,.... Theo đó, cần ép mạnh, ép nhanh, ép liên tục 30 nhịp với tần số 100-120 lần/phút.

Đặc biệt cần lưu ý khi sơ cứu: Không gián đoạn ép tim quá 10 giây; Nếu không sẵn sàng hô hấp bằng miệng – miệng thì chỉ cần ép tim; Đánh giá nạn nhân sau mỗi 2 phút (5 chu kỳ ép tim – thổi ngạt); Người ép phải dùng sức của cả 2 tay ép theo hướng vuông góc với cơ thể bệnh nhân; Ép tim thổi ngạt đến khi bệnh nhân tự thở trở lại hoặc khi nhân viên y tế đến.

Thầy cô và sinh viên tích cực đặt câu hỏi cho bác sĩ.

Trả lời cho câu hỏi: “Nên gọi cấp cứu trước hay sơ cứu cho bệnh nhân trước khi chỉ có một mình mình ở đó?”, ThS. BS. Hoàng Đức Vinh nói: “Phải gọi cứu thương đầu tiên. Hãy bật loa ngoài để nghe hướng dẫn từ nhân viên y tế và tiến hành sơ cấp cứu cho bệnh nhân. Kiên trì ép tim sẽ tăng cơ hội cứu sống bệnh nhân”.

Bài học thực hành hữu ích

Tại Hội thảo, ThS. BS. Hoàng Đức Vinh và đồng nghiệp đã hướng dẫn thực hành cho các cán bộ, giảng viên và sinh viên trường Đại học Đại Nam kỹ thuật sơ cứu hồi sinh tim, phổi. Theo đó, thầy cô và sinh viên tiến hành sơ cấp cứu trên mô phỏng bệnh nhân theo 5 chu kỳ ép tim – thổi ngạt.

Sinh viên được tập huấn sơ cấp cứu ngay tại chương trình.

Sinh viên không thuộc khối Sức khỏe cũng nhiệt tình tham gia tập huấn.

Nhiều sinh viên bày tỏ sự hào hứng và thích thú khi được thực hành sơ cấp cứu bệnh nhân. Đồng Thùy Trang – sinh viên lớp Tiếng Trung 16.03 chia sẻ: “Trước đây em cứ nghĩ sơ cứu là việc của nhân viên y tế. Em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện mình cũng có thể sơ cấp cứu cho người khác. Sau buổi hội thảo này, em tự tin mình có thể tham gia sơ cứu ở cộng đồng nếu gặp trường hợp bị nạn”.

Sinh viên được bác sĩ tận tình hướng dẫn, sửa động tác.

Thầy cô cũng tích cực tham gia thực hành.

Nguyễn Thị Phương Thảo – sinh viên lớp Điều dưỡng 15.02 bày tỏ: “Thầy cô và các y bác sĩ đã tận tình giúp em sửa những lỗi sai cơ bản khi sơ cấp cứu. Em cảm thấy những buổi hội thảo, thực hành như thế này rất hữu ích, mang đến cái thực tế hơn về nghề. Em hy vọng Khoa và Nhà trường thường xuyên tổ chức những chương trình như vậy để cung cấp thêm nhiều kiến thức sơ cấp cứu cho sinh viên khối Sức khỏe nói riêng và sinh viên trường Đại học Đại nam nói chung”.

Thầy Lê Văn Duy cho biết: Trong thời gian tới, khoa Điều dưỡng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, hội thi sơ cấp cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, giúp sinh viên nắm vững các kỹ năng nghề nghiệp, trở thành những Điều dưỡng viên giỏi trong tương lai.

BTT