04/01/2024

5796

Sinh viên DNU được học “bộ quy tắc ứng xử” như thế nào tại giảng đường?

Sự thành công của mỗi người chỉ có 15% dựa vào kỹ thuật chuyên ngành, 85% còn lại là dựa vào những quan hệ giao tiếp và tài năng ứng xử. Tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng nắm được quy tắc ứng xử, nhất là những người trẻ. Để sinh viên phát triển toàn diện, ra trường có cuộc sống tốt và là công dân tốt, trường Đại học Đại Nam triệt để đào tạo kỹ năng mềm ngay từ năm nhất và xuyên suốt quá trình đào tạo. Vừa nhập trường, tân sinh viên K17 đã được làm quen và rèn giũa cùng “bộ quy tắc ứng xử” do khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm xây dựng.

Khủng hoảng văn hóa ứng xử ở người trẻ

Văn hóa ứng xử, chào hỏi là hành động thể hiện sự tôn trọng, lịch thiệp, khí chất của mỗi người; đồng thời thể hiện nề nếp gia phong, cách giáo dục con cái của mỗi gia đình. Đây là những nét văn hóa từ lâu đời, thể hiện thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, bối cảnh hội nhập với nhiều luồng văn hóa du nhập vào Việt Nam, cùng với đó là sự thay đổi trong lối sống khiến văn hóa ứng xử, văn hóa chào hỏi, xin phép, xếp hàng bị… lãng quên, xem nhẹ. Lời chào hỏi, yêu thương gia đình dần trở nên thiếu vắng. Nhiều bạn trẻ khi ra đường hay đến trường không biết chào, biết cảm ơn, xin lỗi thầy cô, bạn bè; không xin phép, chen hàng khi mọi lúc, mọi nơi…

Nét văn hóa ứng xử đẹp đẽ của người Việt vô hình trung bị đứt gãy, gây tổn hại đến nhân cách con người. Đồng thời khiến người trẻ bị định kiến: “Thiếu văn minh, lịch sự”, gây nhiều bất lợi khi đi xin việc, phỏng vấn. Dù kiến thức, năng lực tốt nhưng vẫn bị ‘đánh trượt’ bởi thiếu và yếu về kỹ năng, quy tắc ứng xử. Nhiều ứng viên bị loại ngay “vòng gửi xe” chỉ vì ứng xử kém, quên lời chào, lời cảm ơn khi gửi email xin việc hay trả lời điện thoại của doanh nghiệp.

Quyết không sinh viên “hòa tan” và đánh mất cơ hội vì thiếu hụt kỹ năng, trường Đại học Đại Nam đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Trước hết là kỹ năng về ứng xử, văn hóa chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, yêu thương gia đình và mọi người xung quanh.

Sinh viên DNU được rèn kỹ năng mềm ngay từ học kỳ đầu tiên của năm nhất và xuyên suốt quá trình học tập.

“Bộ quy tắc ứng xử” của sinh viên DNU có gì?

Quy tắc ứng xử là nội dung đã được cô Cao Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Phó Hiệu trưởng nhiều lần đề cập trong các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường. Theo đó, thầy cô là tấm gương của sinh viên. Thầy cô có “thấm nhuần” quy tắc ứng xử mới có thể truyền tải và giáo dục được sinh viên.

Hội đồng trường giao cho Khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm xây dựng “bộ quy tắc ứng xử” và dạy sinh viên ngay từ khi mới bước chân vào trường.

Cô Nguyễn Thị Thúy – Trưởng khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm cho biết: “Bộ quy tắc ứng xử” được giảng dạy ở giảng đường Đại học Đại Nam không phải những kiến thức vĩ đại hay cao siêu xa vời. Ngược lại, nó rất gần gũi và đời thực, từ lời chào, tiếng nói, cho tới cách ứng xử, yêu thương những con người xung quanh.

“Bộ quy tắc ứng xử” của trường Đại học Đại Nam được hình thành trước tiên bởi nguyên tắc 5X: Xin chào, Xin lỗi, Xin cảm ơn, Xin phép, Xếp hàng.

Lời chào là những bài học cơ bản nhất từ thời tấm bé mà ông bà, cha mẹ chúng ta vẫn thường răn dạy. “Lời chào cao hơn mâm cỗ” không chỉ thể hiện phép lịch sự, mà còn thể hiện được sự thân thiện, hòa đồng, sẵn sàng hội nhập, giúp các Newbie K17 mở rộng mối quan hệ với thầy cô, bạn bè, anh chị...

Lời xin lỗi chân thành luôn giúp hóa giải mọi khúc mắc trong mối quan hệ. Hãy dũng cảm xin lỗi và tuân thủ thực hiện các cam kết đã đề ra để tạo dựng niềm tin và duy trì mối quan hệ bền vững.

Lời cảm ơn có giá trị rất lớn trong cuộc sống, nó thể hiện niềm cảm thông thấu hiểu trước hành động tốt đẹp của người với người trong xã hội. Hãy mạnh dạn nói lời cảm ơn ngay khi nhận đượ lời khen ngợi, sự giúp đỡ hay đơn giản từ việc nhận được một đóng góp hữu ích từ thầy cô, bạn bè, cô lao công, chú bảo vệ

Lời xin phép thể hiện sự tôn trọng, phép lịch sự của sinh viên đối với thầy, cô giáo trong Nhà trường. Sinh viên cần sử dụng lời xin phép ở bất cứ nơi đâu, từ giảng đường Đại học cho tới cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy có thể nói, đối với sinh viên trường Đại học Đại Nam, tiêu chí Thái độ hơn trình độ luôn được ghi nhớ và nằm lòng thực hiện.

Xếp hàng là văn hóa đặc trưng của Nhà trường. Đi trong khuôn viên trường, chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những bạn sinh viên nghiêm túc thực hiện nội quy và ngay ngắn xếp hàng như ở nhà xe hay thang máy.

Văn hóa xếp hàng được DNUERS đề cao trong mọi hoàn cảnh.

Bài học thứ 2 là nguyên tắc 5Y: Yêu bản thân – Yêu gia đình – Yêu đồng đội – Yêu đất nước – Yêu cuộc đời.

Yêu bản thân là một thuật ngữ để chỉ những hành động yêu thương không chỉ về thể xác mà còn cả về tinh thần với chính bản thân mình. Đó không phải là sự ích kỷ, đó là một hành động tử tế đối với người khác. Yêu bản thân bao gồm 4 khía cạnh: tự nhận thức, ý thức được giá trị bản thân, lòng tự trọng và tự chăm sóc bản thân.

Tình cảm gia đình là một món quà quý giá nhất mà mỗi người chúng ta có được. Trước hết, gia đình là cha mẹ, ông bà, anh chị em, họ hàng. Họ là những người yêu thương bạn với một tình cảm thiêng liêng nhất, chân thật nhất mà xã hội ngoài kia không thể nào mang lại. Đừng vì những niềm vui, nỗi lo ngoài xã hội, những mối quan hệ xã giao mà quên dành lời thăm hỏi, nhắn nhủ yêu thương với gia đình.

Đồng đội là những người đồng hành với chúng ta trên chặng đường học tập, xây dựng và phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Sự đoàn kết, yêu thương được hình thành giữa những con người, tuy không cùng quê quán, khác xa nhau về tập quán, vùng, miền nhưng cùng chung lý tưởng, mục tiêu, cùng thực hiện nhiệm vụ. Do đó, những “tân binh” cần coi nhau như ruột thịt, cùng sẻ chia cho nhau bao hiểm nguy, gian khó.

Lòng yêu nước là tình yêu, sự tôn trọng khắc sâu trong tim đối với quê hương, đất nước và đó là phẩm chất cao quý của mỗi người. Lòng yêu nước thể hiện ở hành động sẵn sàng đứng ra giúp đất nước mỗi lúc nguy nan, đó là một thứ tình cảm thiêng liêng mà người dân dành cho đất nước mình.

Yêu cuộc đời là sự lạc quan, luôn hướng tới một tương lai sáng lạn. Người luôn yêu đời là người luôn vui vẻ, tin tưởng vào cuộc sống và tìm thấy sự đam mê ở trong bất cứ hoạt động nào từ học tập cho đến vui chơi, giải trí, lao động…

Sinh viên trưởng thành và được doanh nghiệp đánh giá cao

Mai Chi – tân sinh viên khoa Du lịch chia sẻ: “Trước đây em chỉ chào những người mình quen và những thầy cô dạy mình. Sau khi học bộ quy tắc ứng xử, em đã thay đổi hoàn toàn. Em chào hỏi tất cả mọi người, từ bác bảo vệ, cô bán hàng, thầy cô giáo, bạn bè… ai cũng vui vẻ và dành cho em nụ cười thân thiện. Em cảm thấy cuộc sống của mình trở nên tích cực, có ý nghĩa và tràn ngập yêu thương hơn”.

Sinh viên hạnh phúc và trưởng thành hơn từng ngày khi được rèn kỹ năng, quy tắc ứng xử.

Hà Tùng – sinh viên K17 khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô cho biết: “Bộ quy tắc ứng xử” đã giúp em trưởng thành hơn, thái độ hòa nhã, tích cực hơn; biết yêu thương, tôn trọng và san sẻ với những người xung quanh. Cũng vì vậy mà mọi người quý mến và giúp đỡ em nhiều hơn trong học tập, công việc và cuộc sống. Em cảm thấy may mắn khi được học tập trong một môi trường năng động, hiện đại, quan tâm và đào tạo sinh viên từ những điều nhỏ nhặt nhất”.

Cẩm Nhung – sinh viên K17 khoa Dược bày tỏ: “Những bài học Kỹ năng mềm đã giúp em trân trọng hơn tình cảm gia đình; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi và yêu thương đến bố mẹ - điều mà trước đây em chưa bao giờ làm”.

DNUERS bày tỏ tình yêu thương với gia đình, người thân mọi lúc, mọi nơi.

Là một trong những người thường xuyên kết nối, làm việc cùng đại diện các doanh nghiệp, cô Phạm Thị Dung – Phó Giám đốc Trung tâm Việc làm và Khởi nghiệp sinh viên cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp phản hồi rằng rất ấn tượng với kỹ năng của sinh viên DNU. Trong mọi hoàn cảnh, các bạn đều chấp hành văn hóa xếp hàng, luôn cúi đầu chào tất cả mọi người, kể cả người lạ hay sinh viên. Đó là điều doanh nghiệp đánh giá cao và luôn sẵn sàng tiếp nhận sinh viên DNU đến thực tập, tuyển dụng”.

BTT + Khoa ĐT&PT Kỹ Năng mềm