20/01/2022

10716

Làm sao để học và làm nhóm hiệu quả - Bí kíp dành cho sinh viên Đại học Đại Nam

Nghiên cứu về não không chỉ cho chúng ta thấy nhu cầu về học tập tích cực, thời gian cao điểm, thời gian dừng và các phần tốt nhất trong bài giảng để học được những vấn đề quan trọng, nó còn xác định loại hình và chiến lược học tập phù hợp nhất khi nói về tỉ lệ ghi nhớ.

Trong thời đại mới khi lượng tri thức ngày càng phát triển và đa dạng nguồn tri thức thì làm việc theo nhóm là yêu cầu quan trọng, cần thiết được đặt ra đối với tất cả mọi người. 

Nhà khoa học Barbara Gross Davis, Tools for Teaching đã tiến hành nghiên cứu và tuyên bố rằng, “cho dù nội dung môn học như thế nào thì sinh viên làm việc theo từng nhóm nhỏ cũng có khuynh hướng học được nhiều hơn những gì được dạy và nhớ lâu hơn so với các hình thức dạy học khác".

Nắm bắt được những đặc điểm đó cùng với định hướng đào tạo theo hướng ứng dụng, hiên nay trường Đại học Đại Nam đã và đang thực hiện các phương pháp học tập hiện đại. Tạo cơ hội cho sinh viên được trải nghiệm và thể hiện năng lực của mình. Một trong các phương pháp được sử dụng hiệu quả và tích cực là “Phương pháp học nhóm”.

“Học nhóm trong sinh viên là cách thức học tập của nhóm người có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ với nhau để cùng nhận dạng, phân tích và luận giải các vấn đề học tập đặt ra, từ đó lĩnh hội, củng cố và mở rộng kiến thức đã được học và vận dụng chúng trong quá trình thi - kiểm tra đạt kết quả cao”.

Học nhóm có vai trò như thế nào với quá trình học tập của sinh viên?

Với sinh viên, học tập theo nhóm là một trong các phương pháp học tập hiệu quả để qua đó rèn cho sinh viên khả năng hợp tác, chia sẻ tình cảm, bồi dưỡng, phát triển tư duy, nâng cao trình độ tri thức.

Học nhóm phát huy khả năng tư duy, trí tuệ của từng cá nhân và cả nhóm, giúp lĩnh hội và giải quyết các vấn đề học tập một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Học nhóm giúp sinh viên có điều kiện nắm kiến thức chắc hơn, lâu hơn và đây là cơ hội học hỏi các phương pháp, kinh nghiệm học tập, phương pháp ghi nhớ kiến thức, phương pháp trả lời, làm bài thi của các thành viên khác trong nhóm, từ đó nâng cao chất lượng học tập và thi – kiểm tra của mình.

Phương pháp học nhóm hiệu quả

  1. Xây dựng nhóm học tập

Bước đầu tiên là tiến hành xây dựng đội nhóm học tập, số lượng từ khoảng 4 – 6 thành viên. Việc lựa chọn các thành viên phải dựa trên tiêu chí tự nguyện và tích cực. Trong nhóm cần phân rõ vai trò của các thành viên, nhóm trưởng người điều phối và tổng hợp các hoạt động của nhóm. Thư kí người ghi chép, take note các nội dung thảo luận của nhóm.

  1. Xác định mục tiêu, lên kế hoạch cho cả nhóm

Học nhóm là sự kết của nhiều người chính vì vậy sau khi đã thành lập nhóm học tập xong thì phải xác định mục tiêu học tập. Bạn cần phải đưa mục tiêu rõ ràng, ví dụ như: học môn gì, mục tiêu đạt được sau khi học nhóm là gì,…Từ đó, lên kế hoạch cụ thể cho từng buổi học từ giờ giấc, địa điểm học, kiến thức của từng buổi học,… Và phải đề ra kỷ luật cho cả nhóm. Nhiều nhóm học tập không đạt hiệu quả vì các thành viên không xác định được mục tiêu chung của cả nhóm.

  1. Lựa chọn phương pháp học tập phù hợp

Khi học nhóm cần trao đổi và thống nhất, phối hợp. Các bạn hãy tìm hiểu phong cách học tập của từng thành viên trong nhóm. Từ đó, rút ra được phương pháp học tập tốt nhất cho tất cả mọi người điều đó sẽ khiến quá trình học tập hiệu quả và thú vị không nhàm chán. Hãy thử nhiều phương pháp học tập khác nhau như:

  • Thảo luận nhóm
  • Sơ đồ tư duy
  • Brain storming
  • Trải nghiệm thực tế…
  1. Phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực từng cá nhân

Để quá trình học tập diễn ra thuận lợi cũng như hiệu quả, tiết kiệm thời gian, hiệu suất làm việc tốt thì cần phải phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực của từng cá nhân và để thúc đẩy cá nhân phát huy tối đa năng lực của mình.

  1. Đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau và tạo bầu không khí vui vẻ

Bầu không khí học tập vui vẻ, thân thiện sẽ giúp việc học và cả mối quan hệ của cả nhóm tốt hơn giúp mỗi cá nhân tự tin và sáng tạo. Để có thể gắn kết các thành viên cũng như thúc đẩy sự tích cực thì cần có sự tôn trọng lẫn, không phán xét trong quá trình làm việc cùng nhau.

  1. Tuân thủ kỉ luật và tuân thủ thời gian

Giữ kỉ luận là một nguyên tắc quan trọng trong quá trình học nhóm, nó thể hiện sự tích cực và tự giác của các thành viên. Nếu một nhóm không có kỉ luật dẫn đến các thành viên sẽ rời rạc, không nghiêm túc và đương nhiên hiệu quả học tập không cao. Chính vì vậy mỗi người phải có ý thức tuân thủ kỷ luật, kế hoạch và mục tiêu mà nhóm đã đề ra. Ví dụ điển hình là quy định ngày, giờ học tập cụ thể của từng buổi học. Tất cả mọi người đều phải đến đúng giờ để không làm ảnh hưởng đến các bạn khác các bạn khác. Đây cũng là cách rèn luyện tinh thần trách nhiệm và nâng cao tính tập thể hơn.

Để quá trình học nhóm hiệu quả thì các thành viên cần tuân thủ về mặt thời gian. Đi đúng giờ, hoàn thành công việc đúng thời hạn.  Để quản lý tốt thời gian học nhóm chúng ta có thể áp dụng phương pháp: Pomodoro, ma trận quản lý thời gian, thời gian biểu,…

  1. Tích cực tranh luận và trao đổi kiến thức

Học nhóm hiệu quả là ở việc trao đổi, tranh luận để cùng giải đáp thắc mắc và truyền đạt lại cho người khác. Cách chúng ta đặt câu hỏi, lần lượt nêu ý kiến, lắng nghe và soạn lập luận phản biện chặt chẽ. Tích cực tranh luận trong hòa bình sẽ giúp cả nhóm tiếp thu kiến thức tốt hơn. Các bạn sẽ rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, phân tích và phản biện trước đám đông. Những kỹ năng này rất tốt kể cả trong công việc hay cuộc sống sau này.

  1. Nghiên cứu cá nhân

Từng thành viên phải có trách nhiệm nghiên cứu trước và sau buổi học chung của tập thể. Để trong quá học tập cùng nhau có thể chia sẻ với nhau về kiến thức. Với việc nghiên cứu, suy nghĩ về bài học trước, các bạn có thể có những cách hiểu cũng như câu hỏi để trao đổi với các thành viên. Sau đó, từng cá nhân đem những gì mình hiểu được và thắc mắc đưa ra cho cả nhóm cùng giải quyết. Cuối cùng, sau buổi học nhóm, mỗi bạn cũng phải tự về nhà ôn tập lại để nắm vững kiến thức hơn.

  1. Tổng kết buổi học

Cuối buổi học, các bạn nên tập hợp ý kiến từng cá nhân và đưa ra kết luận thống nhất. Tốt nhất nên viết ra một sơ đồ, văn bản để mỗi người có thể lưu giữ và dễ ôn tập lại. Tổng kết sau mỗi buổi học giúp các bạn hệ thống lại kiến thức tốt hơn. Thông qua hoạt động, nhóm cũng sẽ rút ra được những kinh nghiệm và thay đổi phương pháp học tập kịp thời để nâng cao kết quả học tập. Các bạn có sử dụng các cách thức sau để tổng kết vừa tổng hợp được kiến thức vừa có tài liệu tham khảo cho cả nhóm cũng như giải trí: bài trắc nghiệm, câu hỏi ngắn, sơ đồ tư duy….

Với những chia se ở trên tôi mong muốn rằng mỗi bạn sinh viên sẽ có được những phương pháp giúp ích cho quá trình học tập của mình. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” tư duy cũng như làm việc của một tập thể sẽ hiệu quả hơn tư duy và lao động của một cá nhân.

Khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm, trường Đại học Đại Nam