15/12/2023

2352

Kết thúc Trại kỹ năng mềm 1: Những giọt nước mắt hối hận và những lời yêu thương lần đầu tiên được tỏ bày

“Từ lúc bắt đầu lớn hơn con chưa bao giờ nói yêu bố cả, con luôn thấy có khoảng cách khi nói chuyện với bố. Nhưng giờ khác rồi, con không còn thấy khoảng cách nữa. Con yêu bố! Bố giữ gìn sức khoẻ nhé...”

Đó là dòng tin nhắn gửi bố của bạn Cẩm Nhung – sinh viên K17 khoa Dược trường Đại học Đại Nam sau khi kết thúc học phần Kỹ năng mềm cơ bản. Dù rất yêu bố mẹ nhưng Cẩm Nhung rất ngại thể hiện tình cảm, thậm chí lời cảm ơn hay xin lỗi đơn giản cũng khó nói thành lời... Những cuộc hội thoại với bố mẹ cứ ngắn dần, thưa dần vì khoảng cách thế hệ. Thế nhưng, sau chương trình Trại kỹ năng mềm 1, việc đầu tiên Cẩm Nhung và các bạn sinh viên năm nhất trường Đại học Đại Nam cùng nhau làm là nhắn tin, gọi điện cho bố mẹ nói “con yêu bố mẹ”, cảm ơn bố mẹ... Có những bạn vội vàng bắt xe về nhà ngay, trân trọng, nâng niu từng khoảnh khắc được ở bên gia đình.

Ngay từ những ngày đầu thành lập trường, TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT đã đặc biệt chỉ đạo: Ngoài việc dạy kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc, cần dạy cho sinh viên kỹ năng mềm, giúp các em trau dồi đạo đức, lối sống, tác phong từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống thường ngày… Thực hiện chủ trương đó, sinh viên trường Đại học Đại Nam được đào tạo kỹ năng mềm bài bản ngay từ khi mới bước chân vào trường và xuyên suốt trong cả khóa học.

Trường Đại học Đại Nam đặc biệt chú trọng hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên.

Trại huấn luyện Kỹ năng mềm là hình thức kiểm tra kết thúc học phần độc đáo dành cho sinh viên Đại học Đại Nam khi theo học môn Kỹ năng mềm cơ bản và nâng cao. Thay vì đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo các hình thức thi cử thông thường, khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm tổ chức trại huấn luyện dưới hình thức trại lính kết hợp trại hè, tạo cơ hội cho sinh viên được tham gia hàng loạt các hoạt động trải nghiệm trong suốt một ngày dài.

Với hình thức kiểm tra này, sinh viên vừa vận dụng các kiến thức học được trên giảng đường vào các hoạt động trải nghiệm thực tế, vừa học thêm được nhiều kỹ năng, kiến thức mới.

Sinh viên tham gia các hoạt động phối hợp đồng đội tại trại huấn luyện Kỹ năng mềm.

Cụ thể, đến với trại huấn luyện Kỹ năng mềm 1, sinh viên được tham gia các thử thách đồng đội đòi hỏi sự kết hợp giữa sức khoẻ thể chất lẫn trí tuệ và kỹ năng xử lý tình huống do thầy cô khoa Đào tạo và phát triển kỹ năng mềm dày công nghiên cứu, thiết kế.

Những hoạt động trải nghiệm thú vị, có tên hấp dẫn như: Nấc thang lên thiên đường, Mảnh ghép thần kỳ, Bước chân đoàn kết, Đua công nông tiếp sức, Sức mạnh đồng đội… giúp các “tân binh” phá bỏ mọi giới hạn, bung hết sức trẻ, sự nhanh nhạy và sức sáng tạo của bản thân để “học hết sức, chơi hết mình”.

Đặc biệt, trải nghiệm cảm xúc cuối ngày là lúc các bạn cùng ngồi với nhau bên ánh nến lung linh để nhìn vào sâu bên trong tâm trí mình, học cách yêu thương, trân trọng bản thân, thế giới xung quanh và những người thân yêu bên cạnh mình.

Loạt trải nghiệm tại trại Kỹ năng mềm đã để lại cho các bạn sinh viên những cảm xúc thăng hoa đến tận cùng và những kỷ niệm không thể quên.

Xóa bỏ khoảng cách, tự tin thể hiện tình yêu thương với đấng sinh thành

Ngay sau khi trại huấn luyện Kỹ năng mềm 1 kết thúc, bạn Cẩm Nhung – sinh viên K17 khoa Dược nhắn tin chia sẻ với các thầy cô khoa Đào tạo và phát triển Kỹ năng mềm: “Cảm ơn thầy cô và nhà trường vì bài giảng về cha mẹ rất hay và ý nghĩa ạ. Em sinh năm 99, lớn hơn các em năm nhất 6 tuổi, nhưng năm nay có đăng ký để học Đại Nam khoa Dược cùng các em 2K5. Dù lớn như thế nhưng chưa bao giờ nói yêu bố cả. Sau bài giảng đó em đã phải nhắn tin ngay cho bố, em cảm ơn thầy cô rất nhiều vì đã có một môn học hay và ý nghĩa như vậy”.

Cẩm Nhung cũng chia sẻ đoạn tin bạn nhắn với bố mình: “Nay con thi môn Kỹ năng mềm được giải nhất, cuối buổi thầy cô có bài giảng nói về cha mẹ. Xong con khóc thút thít vì thấy đúng quá. Từ lúc bắt đầu lớn hơn con chưa bao giờ nói yêu bố cả, con luôn thấy có khoảng cách khi nói chuyện với bố. Nhưng giờ khác rồi, con không còn thấy khoảng cách nữa. Con yêu bố, bố giữ gìn sức khoẻ nhé chứ con thấy dạo này bố sắp hói rồi đó”.

Trải nghiệm cảm xúc tại trại huấn luyện Kỹ năng mềm.

Biết trân trọng, nâng niu từng giây phút khi được ở bên gia đình

Nói về trải nghiệm cảm xúc tại trại Kỹ năng mềm, Hương Trà – sinh viên K17 khoa Ngôn ngữ và văn hoá Hàn Quốc chia sẻ: “Qua trải nghiệm cảm xúc, em đã có cách nhìn khác về gia đình của mình. Với bài học về lòng biết ơn đấng sinh thành, em dần hiểu hơn những hy sinh mà cha mẹ dành cho em. Ngay sau trại Kỹ năng mềm, ngày hôm sau, em đã bắt xe về quê, trân trọng, nâng niu từng giây phút khi được ở bên gia đình của mình”.

“Em là con trai, hiếm khi khóc, nhưng lại không thể ngăn mình chảy nước mắt khi tham gia trải nghiệm cảm xúc”.

Hà Tùng – sinh viên K17 khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô cho biết: “Em là con trai, hiếm khi khóc, nhưng lại không thể ngăn mình chảy nước mắt khi tham gia trải nghiệm cảm xúc. Em hiểu rằng cần trân trọng từng giây phút khi được ở bên gia đình. Hãy ở bên, nói chuyện, chia sẻ nhiều nhất có thể với bố mẹ bởi sau này khi bận rộn công việc, không biết bao lâu mới được ăn cùng cha mẹ một bữa cơm…và bố mẹ có thể rời xa chúng ta bất cứ lúc nào”.

Bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, tự tin hơn, trưởng thành hơn

Cũng đến từ khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô, bạn Thế Anh chia sẻ: “Trước khi tham gia trại Kỹ năng mềm em khá hồi hộp xen lẫn chút lo sợ vì lần đầu tiên em được nghe và tham gia vào một hình thức thi mới lạ như thế. Nhưng sau khi được tham gia vào trải nghiệm tại trại, cảm giác lo sợ của em tiêu tan và thay vào đó là những cung bậc cảm xúc từ niềm vui, sự sung sướng cho tới bồi hồi xúc động”.

Sinh viên tự tin hơn sau các hoạt động tại trại Kỹ năng mềm.

Giống như các sinh viên khác, Duy Khương – sinh viên khoa Du lịch xoá tan được sự rụt rè sau các trải nghiệm tại trại Kỹ năng mềm: “Khi vào thi em được trải nghiệm nghiêm như trại lính, vui như trại hè, được gặp các đồng đội quen cũng có mà lạ cũng nhiều. Tuy có lúc đầu ai cũng có chút rụt rè và phối hợp không ăn ý nhưng khi cùng thi bọn em đã hiểu thêm về nhau và hợp tác với nhau ăn ý hơn”.

“Điều quý giá nhất trong cuộc đời sinh viên là những trải nghiệm, qua đó các bạn sẽ từng bước trưởng thành”, cô Nguyễn Thị Thuý khẳng định.

Chia sẻ về giá trị của các hoạt động trải nghiệm tại trại huấn luyện Kỹ năng mềm, cô Nguyễn Thị Thuý – Trưởng khoa Đào tạo và phát triển kỹ năng mềm, trường Đại học Đại Nam cho biết: “Điều quý giá nhất trong cuộc đời sinh viên là những trải nghiệm, qua đó các bạn sẽ từng bước trưởng thành. Kỹ năng không chỉ học trong sách vở hay trên giảng đường, mà còn được trau dồi thông qua tất cả các hoạt động trải nghiệm. Chiến thắng lớn nhất của các bạn trong các trải nghiệm tại trại huấn luyện Kỹ năng mềm là chiến thắng chính bản thân mình, học được cách thay đổi mình để thích nghi ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tập thể nào”.

Qua trại Kỹ năng mềm cơ bản, tân sinh viên trường Đại học Đại Nam đã có được cho mình phong thái tự tin, sự dũng cảm và khả năng thích ứng cao để bước chân vào môi trường mới, là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các bạn không chỉ trong việc học tập tại nhà trường mà còn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

BTT