30/10/2023

588

Bữa cơm sinh viên DNU tự nấu: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm

Học kết hợp thực tiễn là phương châm giảng dạy hàng đầu của tất cả các môn học tại trường Đại học Đại Nam nói chung và trong bộ môn Kỹ năng mềm nói riêng. Đây là bộ môn thu hút được sự quan tâm và yêu thích của mọi sinh viên Đại Nam, bởi sinh viên được tham gia rất nhiều hoạt động, dự án thú vị, từ đó có được những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, giúp hình thành và phát triển những kỹ năng cơ bản cần thiết cho cuộc sống. Một trong số những hoạt động đặc biệt và thú vị đối với sinh viên năm nhất trong học phần Kỹ năng mềm cơ bản chính là hoạt động “Bữa cơm sinh viên”.

Thiết kế và tự nấu một bữa ăn với cho phí 20 ngàn đồng một suất

Với dự án thực hành này, sinh viên phải tự đi chợ, nấu cơm, mang thành quả lên lớp để nghe nhận xét và nhận điểm từ thầy cô. Mỗi nhóm thực hành có từ 6 – 8 người, phải thiết kế bữa ăn với ngân sách 20.000 đồng/người.

Một bữa ăn với đầy đủ món rau, món mặn và hoa quả chỉ với 20.000/người do sinh viên DNU trổ tài nấu nướng.

Trong giới hạn tài chính của mình, các nhóm phải thực hiện đảm bảo các tiêu chí ngon - bổ - rẻ, đồng thời, lượng đồ ăn phải đủ cho tất cả thành viên. Với thử thách này, sinh viên sẽ học hỏi và rèn luyện được kỹ năng cân đối, quản lý tài chính, thích ứng với sự thay đổi của môi trường. Đây là một thử thách khiến các bạn sinh viên vô cùng háo hức.

Toàn bộ quá trình đi chợ, chế biến và nấu nướng đều phải ghi hình - điều này buộc toàn bộ thành viên cùng phải “lăn vào bếp”, tuyệt đối không có chuyện một người làm để cả đội nhận điểm.

Các món ăn đơn giản nhưng được trình bày bắt mắt, tạo cảm giác ngon miệng hơn.

Qua việc cùng làm, cùng hưởng, sinh viên không chỉ học được kỹ năng làm việc nhóm mà còn gắn kết, gia tăng tình đồng đội. Đồng thời, hoạt động ý nghĩa này nhắc nhở mỗi sinh viên về cách sống, cách ứng xử sao cho phù hợp, “khôn khéo” với hoàn cảnh của chính mình. Để “ăn no, mặc ấm” mà không phải lo nghĩ rằng ngày mai mình sẽ trở nên thiếu thốn, thì ngay từ hôm nay, chúng ta nên có lối sống tiết kiệm - không chỉ là tiết kiệm về tiền bạc, mà còn mở rộng ra về thời gian, về tinh thần.

Chia sẻ về ý tưởng của hình thức kiểm tra đặc biệt này, cô Nguyễn Thị Thúy – Trưởng khoa Đào tạo và Phát triển Kỹ năng mềm cho biết: “Phần lớn sinh viên đều là những bạn trẻ xa nhà, phụ thuộc vào trợ cấp của gia đình, luôn phải cân đối giữa tiền trọ, tiền ăn, tiền sinh hoạt… Thông qua dự án thực hành này, chúng tôi vừa rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng cần thiết vừa gợi ý cho các em những bữa cơm tiết kiệm mà vẫn đảm bảo ngon và đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

“Trai tài gái đảm” DNU.

Tự nấu ăn cho mình và cho cả người thân của mình

Bạn Lê Quốc Bảo lớp CNTT 1703 chia sẻ: “Bữa cơm sinh viên là hoạt động em rất yêu thích bởi chúng em có cơ hội được làm việc và tương tác với nhau. Lần đầu tiên các thành viên trong lớp được tới phòng trọ của nhau, cùng nhau đi chợ, nấu ăn và làm video rồi thuyết trình. Điều đó không chỉ giúp chúng em học được các kỹ năng liên quan đến cân đối tài chính, nấu nướng và còn là cơ hội để chúng em được giao lưu, kết nối, hiểu và thân nhau hơn. Từ những   người bạn xa lạ ở các tỉnh khác nhau giờ chúng em đã khá thân nhau và quý mến nhau. Em thấy lên Đại học được học bộ môn này quá hay thiết thực và ý nghĩa”.

Bạn Nguyễn Doãn Khang lớp CKO 1702 chia sẻ: “Khi ở nhà, em chỉ biết làm một số món ăn nhất định. Sau bài tập này, thông qua chia sẻ với các đồng đội, em đã có thể làm được nhiều món ăn hơn, làm cho chính cuộc sống hàng ngày của mình thêm phong phú và em có thể tự tin nấu ăn cho cả gia đình mình”.

Thông qua dự án này, các bạn sinh viên không chỉ học được cách để cùng nhau làm một bữa cơm ngon miệng, đủ dinh dưỡng mà còn rèn luyện cho mình những kỹ năng thiết yếu nhất để chăm sóc cuộc sống của chính mình và những người xung quanh.

Hà Thu

Khoa đào tạo và phát triển Kỹ năng mềm