Cuộc cách mạng 4.0 có sự kết hợp của thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật. Có thể hiểu đây là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực Công nghệ thông tin (CNTT), Công nghệ Sinh học, Công nghệ Nano, … với nền tảng là Công nghệ số. Để đón đầu xu thế và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc Cách mạng 4.0, trường Đại học Đại Nam sớm với đội ngũ chuyên gia, cán bộ, giảng viên giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, giảng dạy tại các trường đại học lớn trong nước và các doanh nghiệp CNTT tại Mỹ, Nga, Hàn Quốc… đã tiến hành đổi mới chương trình đào tạo ngành CNTT. Theo đánh giá khách quan của các chuyên gia, trường Đại học Đại Nam hiện nay là một trong những cơ sở đào tạo có chương trình đào tạo CNTT thay đổi sâu sắc nhất. Hiện, chương trình mới đang áp dụng cho sinh viên K15 với thời gian học tập tại trường từ 2021 – 2024.
Những điểm khác biệt trong chương trình đào tạo mới ngành CNTT Đại học Đại Nam
Chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu nhân lực về lĩnh vực CNTT cho cuộc cách mạng 4.0
Một trong các đặc điểm nổi bật, chương trình đào tạo mới thiết kế các luồng kiến thức cập nhật, liên quan chặt chẽ đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 nhằm đạt mục tiêu: sau từng năm học, sinh viên có đủ năng lực đáp ứng vị trí công việc của thị trường lao động. Cụ thể:
- Sau năm thứ nhất: Chuyên viên CNTT;
- Sau năm thứ hai: Lập trình viên;
- Sau năm thứ ba: Kỹ sư thiết kế;
- Sau năm thứ tư (tốt nghiệp): Kiến trúc sư hệ thống.
Ngoài ra, nếu sinh viên muốn trở thành giáo viên Tin học ở các trường phổ thông cần học thêm chứng chỉ sư phạm.
Các chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực CNTT đánh giá cao chương trình đào tạo mới của khoa CNTT trường Đại học Đại Nam.
Chương trình đào tạo được xây dựng theo cách tiếp cận Top – Down
Chương trình đào tạo được xây dựng theo cách tiếp cận Top – Down có thể hiểu là: Xuất phát từ bức tranh toàn cảnh, các bài toán thực tế, kỹ năng cơ bản, đi đến các khái niệm cần thiết. Sau đó, ứng dụng các khái niệm vào các bài toán phức tạp hơn, để rèn luyện kỹ năng.
Ví dụ. Để giới thiệu về Trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta sẽ bắt đầu bằng bài toán ứng dụng nhận dạng âm thanh trong thực tế: nhận dạng tiếng nói, nhận dạng sự cố trong tiếng máy.
Sau đó mới đưa ra các khái niệm để hình thức hóa bài toán và các lời giải cùng với rèn luyện kỹ năng.
Chương trình đào tạo mới chú ý đến thực hành
Thực hành CNTT là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo. Môn học này sinh viên sẽ được học liên tục trong 8 học kỳ của 4 năm học tại Trường. Mỗi tuần sinh viên có một ngày học thực hành tại xưởng Trường. Tại đây sinh viên được học các công nghệ mới, thực tập các dự án và rèn luyện các kiến thức lý thuyết đã học. Có thể nói ngày học thực hành sinh viên sẽ được làm việc trong môi trường tương tự công tác trong các doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp. Do vậy, sinh viên đã được chuẩn bị tốt kỹ năng làm việc trước khi ra Trường. Hiện nay môi trường học tập như vậy chưa có nhiều tại các trường đại học trong cả nước.
TS. Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ ấn tượng và đánh giá cao CTĐT mới của ngành CNTT DNU .
Có sự tham gia giảng dạy của nhiều doanh nghiệp lớn về CNTT
Ngay từ đầu các doanh nghiệp đã tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo của Trường và sẽ đồng hành trong suốt quá trình đào tạo. Sinh viên CNTT của Trường sẽ được tiếp thu những công nghệ mới nhất của Amazon, Microsoft và Google. Đây là điều kiện lý tưởng trong học tập. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp CNTT lớn có mối liên hệ mật thiết với Trường nhận sinh viên thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp.
Nhà trường có đủ điều kiện để thực hiện chương trình đào tạo mới
Để thực hiện chương trình đào tạo mới về CNTT, trường Đại học Đại Nam đã có đội ngũ giảng viên có chất lượng, cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu học tập đầy đủ. Cụ thể:
- Về đội ngũ cán bộ giảng dạy
Hiện nay đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa CNTT của Trường có 44% là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, trong đó nhiều thầy, cô đã từng giảng dạy, công tác, làm việc tại các trường đại học lớn và các Viện nghiên cứu trong nước cũng như ở nước ngoài như Mỹ, Nga, Hàn Quốc, … Các thầy cô trực tiếp xây dựng chương trình và giảng dạy. Đây là nhân tố quan trọng để chương trình đào tạo mới thực hiện thành công.
- Về cơ sở vật chất, tài liệu học tập
Nhà Trường đã chú ý xây dựng cơ sở vật chất cũng như giáo trình tài liệu để thực hiện chương trình mới. Phòng thực hành rộng rãi, trang bị đáp ứng với mục tiêu các giờ thực hành CNTT trong 4 năm đào tạo đó là giờ đào tạo nghề từ cơ bản đến nâng cao.
Chương trình CNTT mới của trường Đại học Đại Nam sẽ tạo nên sự khác biệt trong đào tạo CNTT với các trường đại học khác trong cả nước. Chương trình đào tạo đặc biệt chú trọng rèn luyện kỹ năng lập trình, cập nhật công nghệ mới, kỹ năng nghề, tất cả các môn học cơ bản, chuyên ngành đều gắn với thực tế và đi sâu vào những ngành mới nhất thuộc lĩnh vực CNTT.
Do vậy, sinh viên CNTT của Nhà trường đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai của các doanh nghiệp góp phần khẳng định triết lý giáo dục của Nhà trường: Học để thay đổi.
TS. Nguyễn Văn Tuấn – Phó trưởng khoa CNTT Đại học Đại Nam