Thực hiện chủ trương, Nhà trường và doanh nghiệp cùng bắt tay nhau đào tạo nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao; đi trước đón đầu những xu hướng công nghệ mới trong thời đại 4.0; đảm bảo 100% sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo với mức thu nhập hấp dẫn, trường Đại học Đại Nam đã hợp tác đào tạo với nhiều doanh nghiệp CNTT lớn, như: Tập đoàn FPT, tập đoàn Microsoft, CMC Crorp, Aptech, Vccorp, VTI... Tiếp nối chuỗi hợp tác đó, vừa qua, trường Đại học Đại Nam tiếp tục ký kết hợp tác đào tạo với 03 doanh nghiệp CNTT lớn trong nước tạo môi trường thực tập, thực chiến và đầu ra cho sinh viên ngành CNTT.
TS. Lê Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đại Nam: Chương trình đào tạo cần gắn với thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập, thực hành.
Cụ thể: 03 doanh nghiệp CNTT ký kết hợp tác với trường Đại học Đại Nam, gồm: Công ty CP Chuỗi tư duy – MindChain Academy, Công ty CP dịch vụ phần mềm WIS Việt Nam, Công ty CP Giải pháp Công nghệ thông tin Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ ký kết, TS. Lê Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đại Nam khẳng định: Giá trị cốt lõi và ưu tiên hàng đầu của Trường Đại học Đại Nam là chất lượng của sinh viên. Nhà trường luôn chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đổi mới chương trình đào tạo, gắn với thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sinh viên học tập, thực hành.
TS. Trần Đăng Công – Trưởng khoa CNTT trường Đại học Đại Nam giới thiệu về các điểm mới trong chương trình đào tạo.
Thông qua việc hợp tác với doanh nghiệp, trường Đại học Đại Nam mong muốn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp; giúp sinh viên thực hiện hoài bão, ước mơ của bản thân; giải tỏa “cơn khát” nhân lực CNTT cho doanh nghiệp; cung cấp nhân lực “thực chiến” cho nhu cầu CNTT của xã hội, giỏi chuyên môn, vững kỹ năng, có trách nhiệm và thái độ làm việc tốt.
“Đại học Đại Nam là trường đại học ứng dụng, Nhà trường không để sinh viên bị bó hẹp trong những bài giảng lý thuyết mà được thực hành, thực chiến tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất. Việc ký kết đào tạo cùng doanh nghiệp sẽ đảm bảo chất lượng chuyên môn, đồng thời mở rộng cơ hội làm việc cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”, TS. Lê Thị Thanh Hương cho hay.
Bà Nguyễn Trần Mỹ Nga - Giám đốc truyền thông CTCP Chuỗi tư duy – MindChain, cũng là đại diện cho Công ty Tinh Vân nhận định: Hiện nay, sinh viên ngành CNTT khi ra làm việc còn “thiếu và yếu” về kiến thức, kỹ năng và thái độ trách nhiệm. Điều này khiến các doanh nghiệp mát khá nhiều thời gian để đào tạo lại.
“Chúng tôi cam kết đồng hành cùng khoa CNTT Trường Đại học Đại Nam; trực tiếp kết hợp đào tạo cho sinh viên các “kỹ năng mềm, thực chiến” trong nghề nghiệp và công nghệ mới (BlockChain) để khi sinh viên tiếp xúc với doanh nghiệp không phải đào tạo lại”, bà Nguyễn Trần Mỹ Nga chia sẻ.
CTCP Chuỗi tư duy – MindChain cam kết đồng hành cùng Trường Đại học Đại Nam đào tạo các “kỹ năng mềm, thực chiến” cho sinh viên CNTT.
Ông Nguyễn Trung Sỹ - Giám đốc CTCP dịch vụ phần mềm WIS Việt Nam cam kết: “Chúng tôi đảm bảo tiếp nhận sinh viên Trường Đại học Đại Nam (học hết năm 2) thực tập theo dự án của công ty và tiếp nhận sinh viên vào làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp; đồng thời, công ty sẽ kết hợp đào tạo cùng khoa CNTT về nội dung ‘Xử lý dữ liệu lớn’ và ‘Trí tuệ nhân tạo’”.
Giám đốc CTCP dịch vụ phần mềm WIS Việt Nam: Công ty sẽ kết hợp đào tạo cùng khoa CNTT về nội dung ‘Xử lý dữ liệu lớn’ và ‘Trí tuệ nhân tạo’.
Ông Nguyễn Ngọc Phương – Giám đốc CTCP Giải pháp Công nghệ thông tin Việt Nam cho biết, công ty đã tiếp nhận sinh viên khoa CNTT về thực tập. Qua quá trình làm việc, ông Phương đánh giá sinh viên Trường Đại học Đại Nam có thế mạnh về kiến thức, kỹ năng cũng như sự nhiệt huyết, cầu thị và tinh thần trách nhiệm cao.
Sau khi tham quan cơ sở vật chất (xưởng thực tập, phòng thí nghiệm, phóng máy), ông Nguyễn Ngọc Phương đã đề xuất hợp tác với Nhà trường trong việc thực hiện các dự án của công ty.
CTCP Giải pháp Công nghệ thông tin Việt Nam đánh giá cao kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc của sinh viên CNTT Trường Đại học Đại Nam.
“Với nguồn nhân lực trẻ, đầy nhiệt huyết cùng đội ngũ giảng viên có trình độ cao, cơ sở vật chất hiện đại, khang trang. Tôi tin rằng sự hợp tác giữa Trường Đại học Đại Nam và CTCP Giải pháp CNTT Việt Nam sẽ đảm bảo được tiến độ và chất lượng của sản phẩm phần mềm”, ông Phương bày tỏ.
Đại diện các bên tại lễ ký kết hợp tác.
Với các biên bản thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, ngay từ năm thứ I và xuyên suốt trong cả khóa học, sinh viên CNTT DNU sẽ được thực hành - thực chiến tại các doanh nghiệp CNTT lớn. Đặc biệt, sinh viên CNTT Đại học Đại Nam sẽ có cơ hội ứng tuyển và làm việc chính thức tại các doanh nghiệp nếu đáp ứng tốt các yêu cầu tuyển dụng của công ty.