25/06/2024

5225

Chung kết Automotive Design Challenge 2024: Các sản phẩm có tính ứng dụng và khả năng thương mại hoá cao

“Các sản phẩm tranh tài tại chung kết Automotive Design Challenge 2024 có tính ứng dụng cao được sử dụng phục vụ trực tiếp cho việc giảng dạy các học phần chuyên ngành Công nghệ kỹ thuật Ô tô và khi được nâng cấp sẽ có khả năng thương mại hóa của sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô (CKO)”. Đó là khẳng định của ông Phạm Hồng Thanh - Giám đốc TT Đào tạo Toyota IDMC – đại diện BGK.

Automotive Design Challenge 2024 là sân chơi học thuật cho sinh viên CKO phát huy năng lực nghiên cứu khoa học, kỹ năng thiết kế; tạo điều kiện để các ứng viên khẳng định tài năng, ý chí và sức sáng tạo trước doanh nghiệp. Từ đó mở rộng cơ hội nghề nghiệp và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.

TS. Lê Thị Thanh Hương – Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh: “DNU luôn xem trọng việc tạo ra những sân chơi thực tiễn như Automotive Design Challenge để sinh viên rèn kiến thức, kỹ năng, khai phá tiềm năng của bản thân”.

Các đề tài có tính khả thi và thực tiễn

Cuộc thi thu hút sự tham gia đông đảo của sinh viên CKO, nhiều đề tài hấp dẫn, có tính thực tiễn cao đã được thực hiện thành công. Trải qua các vòng tuyển chọn gắt gao, 06 đề tài xuất sắc, có khả năng ứng dụng cao và tính thực tiễn đã góp mặt vào vòng chung kết:

1. Đề tài “Thiết kế bộ tính toán tỉ số truyền cho hộp số ngang”: Sử dụng mô hình hộp số ngang 5 cấp đã được cắt bổ các chi tiết bên ngoài, thể hiện được kết cấu các bánh răng và cơ cấu gài số bên trong, có thể phục vụ trực tiếp cho giảng dạy và học tập nội dung cấu tạo và nguyên lý hoạt động của hộp số cơ khí. Nhóm sinh viên đã sử dụng 02 cảm biến đo tốc độ (Encorder) để xác định tốc độ trục vảo (sơ cấp) và trục ra (thứ cấp). Từ đó tính toán được tỉ số truyền tương ứng của các tay số thông qua mối quan hệ tốc độ giữa trục sơ cấp và trục thứ cấp. Việc xác định tỉ số truyền tại từng tay số giúp cho sinh xác định được quy luật bố trí dãy tỉ số truyền trên hộp số; phục vụ cho việc xây dựng đường đặc tính kéo của hộp số từ đó cho phép đánh giá hiệu quả chuyển động trên các tay số khác nhau. Các thông số tốc độ quay của các trục, vị trí tay số và tỉ số truyền của tay số được hiển thị trên màn hình LCD.

2. Đề tài "Thiết kế và hiển thị vị trí công tắc gạt mưa của hệ thống điều khiển gạt mưa, rửa kính tự động trên ô tô”: Đề tài tập trung nghiên cứu, thiết kế chế tạo bộ hiển thị vị trí của công tắc điều khiển gạt mưa, giúp cho người lái khi nhìn vào màn hình biết được chế độ hoạt động của của motor gạt mưa và vị trí của công tắc điều khiển gạt mưa; giúp người lái điều khiển chính xác các chế độ gạt mưa mong muốn mà ko cần phải ghi nhớ vị trí của từng công tắc điều khiển. Ngoải ra, các giắc cắm được bố trí trên mô hình cũng giúp cho sinh viên có khả năng đo kiểm, xác định các tín hiệu để từ đó phục vụ cho việc chẩn đoán hệ thống sau này.

3. Đề tài “Thiết kế tính toán mô hình hệ thống treo, lái trên ô tô”: Đề tài thể hiện khả năng thiết kế mô hình bằng công cụ thiết kế 3D (Inventor) và hiện thực hoá kiến thức về công nghệ kim loại và gia công cơ khí để tạo ra sản phẩm thực. Mô hình dùng để giảng dạy về kết cấu, hoạt động của hệ thống treo, lái trên ô tô với các chi tiết được bố trí tương tự như trên xe thật, giúp sinh viên dễ dàng nhận dạng các chi tiết trong hệ thống treo và hệ thống lái trên ô tô. Phần thiết kế 3D cho phép phân tích được các phương án bố trí các cụm chi tiết trên mô hình để từ đó đưa ra được thiết kế tối ưu.  Mô hình thật được chế tạo thông qua công nghệ hàn, các chi tiết được lắp ráp thông qua các mối ghép ren. Mô hình đảm bảo sự hoạt động như trên ô tô thật.

4. Đề tài “Thiết kế bộ đọc điện áp máy phát theo tốc độ động cơ”: Kết quả của đề tài là mối quan hệ của điện áp máy phát theo tốc độ và theo dòng điện kích từ, mối quan hệ này được thể hiện bằng đồ thị. Mối quan hệ giữa điện áp máy phát – dòng kích từ - tốc độ động cơ là nền tảng quan trọng trong việc thiết kế bộ điều chỉnh điện áp (bộ tiết chế). Kết quả đề tài giúp cho sinh viên xác định được đặc tính của máy phát điện, để từ đó nâng cấp nghiên cứu chế tạo bộ tiết chế trên ô tô.

5. Đề tài “Thiết kế bộ hiển thị mức nhiên liệu trên ô tô”: Bộ xác định mức nhiên liệu trên ô tô dùng để tính toán quãng đường còn lại mà ô tô đi được. Công nghệ này được áp dụng trên các xe đời cao và sử dụng hiển thị dạng số trên bảng taplo. Để tài là sự nghiên cứu các cảm biến loại cũ nhưng được hiển thị trên các màn hình theo công nghệ mới. Thiết bị hoạt động ổn định, giúp cho người lái dễ dàng chủ động trong việc bổ sung nhiên liệu, vì trên màn hình LCD đã hiển thị số quãng đường còn đi được, khi mức nhiên liệu đến ngưỡng cho phép sẽ báo cho người lái xe cần phải đi đổ thêm nhiên liệu. Đề tài có khả năng áp dụng trên các xe đời cũ, xe gắn máy và phục cụ cho công việc định vị mức nhiên liệu để quản lý quá trình sử dụng nhiên liệu.

6. Đề tài “Thiết kế hệ thống đèn đầu thông minh trên ô tô”: Đề tài hướng tới mục đích giảm tải cho người lái xe trong việc điều khiển đèn đầu ô tô. Hệ thống điều khiển sẽ tự động bật đèn đầu lên khi cường độ ánh sáng yếu, điều này trợ giúp cho người lái khi đi vào đường hầm, đi vào những ngày thời tiết xấu, trời tối nhanh mà rất nhiều người lái quên không bật đèn đầu. Ngoài ra, một tính năng khác nữa đó là đèn đầu sẽ tự động chuyển từ đèn pha sang đèn cos khi có ánh sáng của xe đối diện hướng về xe đang lưu thông, điều này giúp cho việc không làm chói lóa xe đối diện, góp phần bảo đảm an toàn giao thông.

Ông Phạm Hồng Thanh - Giám đốc TT Đào tạo Toyota IDMC chia sẻ: “Các sản phẩm không chỉ cho thấy sự sáng tạo mà còn chứng minh tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa, điều này cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Tôi rất mong được hợp tác cùng sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô trường Đại học Đại Nam trong các dự án, kỳ thực tập và tạo điều kiện tuyển dụng sau này”.

Tính thiết thực, đầy tiềm năng cùng khả năng thuyết trình ấn tượng đã mang giải Nhất về cho đề tài “Thiết kế và hiển thị vị trí công tắc gạt mưa của hệ thống điều khiển gạt mưa, rửa kính tự động trên ô tô.

Giải Nhì được trao cho đề tài “Thiết kế hệ thống điều khiển đèn đầu thông minh trên ô tô”.

Đề tài “Thiết kế tính toán mô hình hệ thống treo, lái trên ô tô” và “Thiết kế bộ hiển thị mức nhiên liệu trên ô tô” giành giải Ba chung cuộc.

TS. Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng khoa Công nghệ kỹ thuật ô tô cho biết: Sự ủng hộ và đánh giá cao từ phía doanh nghiệp là động lực mạnh mẽ giúp sinh viên tự tin hơn trong việc theo đuổi đam mê và góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Kết quả của cuộc thi là cơ sở vững chắc để thành lập Câu lạc bộ Cơ khí động lực vào năm học 2024-2025. Khoa sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi học thuật và mở rộng xưởng thực hành để tạo điều kiện cho sinh viên rèn trí, đúc nghề.

BTT