Khoác lên mình màu áo xanh người lính, sinh viên K14 Trường Đại học Đại Nam ý thức rõ, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân. Đối với mỗi sinh viên, 28 ngày học Quốc phòng An ninh là khoảng thời gian quý báu để trau dồi kỹ năng quân sự, rèn luyện ý chí, nghị lực, kỷ cương quân đội, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Làm quen với lịch trình, kỷ luật quân đội
Kỳ học quân sự là một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và thú vị với tất cả sinh viên. Thay vì sinh hoạt “theo ý thích”, giờ đây các em phải “vào khuôn khổ”, học tập, ăn uống và nghỉ ngơi theo lịch trình quân đội.
Theo đó, các “tân binh” K14 phải thức dậy từ lúc 5h30 để tập thể dục, vệ sinh nội vụ, ăn sáng. Đúng 7h15, các em sẽ tập trung lên giảng đường và thao trường để học tập, rèn luyện theo kế hoạch. Thời gian ăn uống và nghỉ trưa được “gói gọn” từ 11h30 đến 13h00. Sau thời gian học tập buổi chiều, tập thể dục, vệ sinh cá nhân và nơi công cộng, ăn tối; “lính mới” sẽ tiến hành sinh hoạt, điểm danh, điểm quân số và lên giường đi ngủ vào lúc 21h30.
Những cô, cậu sinh viên hồn nhiên, sinh hoạt tùy ý phải khép mình vào kỷ luật thép trong quân đội.
Ngoài ra, sinh viên cũng được làm quen với các “đặc sản” quân đội, như: Gấp chăn màn theo quy chuẩn, hành quân, gác đêm, làm quen với những lần báo động bất chợt… Trong quá trình học, các chiến sĩ phải nắm chắc các kiến thức tổng hợp về vấn đề Quốc phòng – An ninh; nguyên lý chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối quân sự của Đảng và Nhà nước; các kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu bộ binh, bắn súng tiểu liên AK…
Các chiến sĩ DNU thuộc lòng 24 động tác thể dục tay không.
Động tác mạnh mẽ, dứt khoát của các chàng trai, cô gái sau 01 tháng rèn luyện.
Đang quen với cuộc sống thoải mái, khi phải vào khuôn mẫu và tuân thủ những quy định nghiêm ngặt khiến nhiều sinh viên “choáng váng”. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày, các em đã nhanh chóng “bắt nhịp” với lịch trình và nếp sống kỷ luật.
Nguyễn Hồng Nhung – sinh viên lớp TT 14-08, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Trung Quốc chia sẻ: “Kỳ học quân sự tại trường là một trải nghiệm vừa thú vị vừa có chút khó khăn. Ban đầu chưa quen với giờ giấc và khuôn khổ nhưng dần dần chúng em đã thích nghi tốt với môi trường học tập này, giờ chỉ cần nghe tiếng còi báo động là bật dậy được ngay”.
Nguyễn Hồng Nhung nhanh chóng nhanh chóng làm quen với kế hoạch học tập và rèn luyện nghiêm khắc.
Thay đổi và trưởng thành qua từng ngày
Quân sự là quãng thời gian rèn luyện nghiêm khắc nhất trong 4 năm học đại học. Tại đây, những cô gái chân yếu tay mềm cũng phải “đội nắng, tắm mưa” thao trường, thuần thục các kỹ năng tháo lắp súng, ném lựu đạn, lăn lê, bò trườn trên thao trường, băng bó vết thương… Các chàng trai phải “gác tính lười”, ngày ngày dọn dẹp vệ sinh, gấp chăn màn, giặt giũ quần áo…
Các bạn trẻ không còn ngần ngại và sợ “đặc sản” gấp chăn màn vuông vắn, gọn gàng.
Không thua kém các chàng trai, các cô gái cũng thuần thục tháo lắp súng.
Môi trường quân đội cũng thiết lập cho các bạn trẻ thói quen sống lành mạnh, khoa học: Ngủ sớm, dậy sớm, tập thể dục, ăn uống đúng giờ, tác phong nhanh nhẹn, đoàn kết, sống vì tập thể… Đặc biệt, việc hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử còn là cơ hội để các bạn sinh viên hòa nhập, chủ động trao đổi, chia sẻ và hiểu hơn về “đồng đội” của mình.
“Môi trường sinh hoạt tập thể đã giúp em thay đổi, trưởng thành hơn từng ngày. Chắc chắn kỳ quân sự này sẽ là một kỷ niệm không bao giờ quên trong quãng đời sinh viên của em”, Hồng Nhung bày tỏ.
Môi trường quân đội “đánh bay” lối sống cá nhân, ích kỷ, giúp sinh viên hiểu hơn về tinh thần đoàn kết, tình đồng đội.
“Tự chủ” giảng dạy – Điểm nhấn trong chương trình đào tạo Giáo dục Quốc phòng DNU
Trên thực tế, Giáo dục Quốc phòng – An ninh là nội dung học tập đặc thù tại trường đại học nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, mục tiêu mà Trường Đại học Đại Nam hướng đến là giáo dục toàn diện, giúp sinh viên hiểu được nếp sống quân sự, biết được hình thức tổ chức và xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; tạo điều kiện tu dưỡng phẩm chất, rèn luyện năng lực, góp phần giáo dục thế hệ tương lai của đất nước có đạo đức trong sáng, ý chí kiên cường.
Theo ThS. Nguyễn Văn Tám - Trưởng khoa Giáo dục Quốc phòng và An ninh, mục tiêu đào tạo của Khoa và Nhà trường luôn bám sát và đúng với thông tư 05 của Bộ GD&ĐT về “Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh”.
“Qua kỳ học quân sự, chúng tôi muốn sinh viên sẽ rèn luyện được tác phong nghiêm túc, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật cũng như nhận thức đầy đủ hơn về quan điểm, đường lối quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân của Đảng, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch… Từ đó nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội và bồi dưỡng niềm tự tôn, tự hào dân tộc”, thầy nói.
Trường Đại học Đại Nam tạo mọi điều kiện tốt nhất để sinh viên hoàn thành kỳ học quân sự.
Đặc biệt, với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi, mang đến một môi trường học tập, trải nghiệm tốt nhất cho sinh viên, Trường Đại học Đại Nam quyết tâm thực hiện “tự chủ” giảng dạy Quốc phòng An ninh ngay tại trường. Theo đó, Nhà trường đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (khu thao trường, khu nội trú, trang thiết bị - khí tài...); đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu chuẩn – đủ đáp ứng tốt nhất nhu cầu đào tạo sinh viên.
“Chúng tôi luôn mong các em được học tập và rèn luyện với một tinh thần và thể chất tốt nhất”, ThS. Nguyễn Văn Tám chia sẻ.
Lại một kỳ quân sự của K14 khoa Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, Ngôn ngữ Anh, Tài chính - Ngân hàng, chúc các bạn sẽ có những kỷ niệm đẹp không thể nào quên nhé!
Ban Truyền thông