02/08/2021

1718

Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng,  nhiều quan điểm, định hướng mới trong quản lý nhà nước về kinh tế đã được đề cập. Trong đó, lần đầu tiên Nghị quyết Đại hội Đảng nhắc đến yêu cầu phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, bên cạnh yêu cầu về cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường gắn kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI ). Điều này đòi hỏi phải có sự đổi mới, đột phá vào những nút thắt đang kìm hãm sự phát triển, qua đó giải phóng sức sản xuất và nguồn lực xã hội để thúc đẩy kinh tế tư nhân, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước sau Đại hội XIII.

Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân ngày càng sáng tỏ, cùng các chính sách chung và các chính sách đặc thù được ban hành trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trong giai đoạn 2001 - 2016, kinh tế tư nhân không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Doanh nghiệp tư nhân phát triển ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền, số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh, từ 55.236 doanh nghiệp năm 2002 thì đến năm 2016 đã có khoảng 500.000 doanh nghiệp với nhiều loại hình đa dạng.

1. Về số lượng doanh nghiệp (DN) và lao động

Số lượng DN thành lập mới đã vượt mức 100 nghìn DN/năm. Tính đến cuối năm 2018, số lượng các cơ sở kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân (gồm các doanh nghiệp của tư nhân, các hộ kinh doanh cá thể) khoảng 6 triệu đơn vị, khoảng 700 nghìn DN. Trung bình, trong giai đoạn 2011- 2018, mỗi năm số cơ sở kinh doanh tăng 3,4%. Xét riêng khu vực DN, tỷ trọng số lượng DN ngoài nhà nước (tư nhân) chiếm khoảng 96-97% trong tổng số DN trong giai đoạn 2010- 2018 và tỷ trọng này dự báo vẫn được duy trì trong năm 2019 và 2020. Trong khi đó, số lượng hộ kinh doanh cá thể tăng từ hơn 4,12 triệu năm 2010 lên trên 5,14 triệu năm 2018, trung bình tăng 3,25%/năm trong cả giai đoạn.

Số DN trung bình trên 1.000 người dân liên tục tăng lên trong giai đoạn 2010-2018, từ 3,2 DN (2010) lên mức 7,6 DN/1.000 dân (2018).

Theo Tổng cục Thống kê, tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước (KTNNN) năm 2018 khoảng 45,19 triệu người, chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế (khoảng 54,25 triệu người). Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực KTNNN trong tổng số lao động trên 15 tuổi làm việc trong nền kinh tế, giai đoạn 2010- 2018 dao động từ 83,3- 86,3%. Tính riêng khu vực kinh doanh (gồm các DN và hộ kinh doanh), năm 2017 tổng số lao động làm việc trong khu vực này khoảng 23,2 triệu người (gồm 14,5 triệu người trong các DN và hơn 8,7 triệu người trong khu vực hộ kinh doanh).

Hiệu quả, sức cạnh tranh của kinh tế tư nhân dần được nâng lên, có tỷ trọng đóng góp GDP khoảng 39 - 40%. Khu vực kinh tế tư nhân cũng chiếm trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế; thu hút khối lượng vốn khá lớn từ nền kinh tế để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.

Muốn kinh tế phát triển thì phải vận hành đầy đủ cơ chế thị trường; thị trường là cơ chế phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất; muốn thị trường vận hành hiệu quả thì phải cắt bỏ các rào cản, phải thúc đẩy cạnh tranh... là một vài khuôn khổ tư duy như vậy.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã  hội giai đoạn 2011 – 2020 đề ra mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao đất nước ta vẫn chưa trở thành "hổ", thành "rồng" như các nước Đông Bắc Á?

Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất là chúng ta đã không chú trọng thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua các doanh nghiệp tư nhân như ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Một nguyên nhân cơ bản khác nữa, chúng ta cũng đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa.

2. Đóng góp của kinh tế tư nhân

- Đóng góp vào GDP: Trong giai đoạn 2010-2018, đóng góp vào GDP của khu vực KTNNN (bao gồm kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể) chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 43%, trong đó khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng từ 38% - 40,6%. Khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong cùng giai đoạn chiếm tỷ trọng tương ứng lần lượt là từ 27,7% - 29,4% và từ 15,15% - 20,3%.

Xét ở khía cạnh đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTNNN trong GDP cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế trong giai đoạn 2010- 2012. Tuy nhiên, tốc độ này thấp hơn mức tăng trưởng chung trong giai đoạn 2013- 2017.

- Đóng góp cho ngân sách nhà nước: Khu vực KTNNN chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong giai đoạn từ 2010-2017, từ 28,3% (2010) lên 33,2% (2016). Khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng cao trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước (NSNN), từ 26,3% (2010) lên 34,4% (2016) và hiện là khu vực có tỷ trọng đóng góp cao nhất. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào NSNN của khu vực kinh tế nhà nước đã giảm khá nhanh, từ 45,4% (2010) xuống chỉ còn 32,3% và là khu vực có tỷ trọng thấp nhất.

3. Giải pháp phát triển kinh tế tư nhân

Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về phát triển KTTN đã đặt ra tại Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về phát triển KTTN trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và các quy định và văn bản chính sách cụ thể hóa Nghị quyết này. Cụ thể:

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đặc biệt là hoàn thiện khung pháp luật, chính sách về thành lập, tổ chức và hoạt động của các tổ chức kinh doanh, đặc biệt là các DN thông qua sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật như: Luật DN (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Quản lý thuế, Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi)... và các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính đồng bộ, cụ thể và minh bạch; có tính khả thi cao và dễ thực hiện.

- Triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; Nghị quyết về cắt giảm chi phí cho DN (số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ); Rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững.

Thứ hai, thúc đẩy khởi nghiệp, chú trọng khởi nghiệp sáng tạo trong một số ngành có lợi thế và tiềm năng; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống theo hướng rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống; xây dựng khung thể chế thí điểm cho mô hình kinh doanh mới trong một số lĩnh vực có tiềm năng rủi ro cao.

Thứ ba, tăng cường hiệu quả triển khai Chính phủ điện tử, cơ chế một cửa quốc gia; khuyến khích DN ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ tư, nghiên cứu để có quy định, chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân tham gia vào hợp tác phát triển, đặc biệt là tham gia vào các dự án đầu tư công; nhanh chóng ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

                                                                                                              Viện Đào tạo Sau đại học 

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng;

2. Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/ TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

3. Quyết định số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển bền vững kinh tế tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030;

4. Vũ Đình Ánh (2019), Khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, Chuyên đề đặc biệt 2019;

5. OECD (2016), Private Sector Engagement for Sustainable Development: Lessons from the DAC, OECD Publishing.

6. Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1+2 – Tháng 01/2020 Tạo động lực, niềm tin cho kinh tế tư nhân phát triển