10/08/2020

3010

Công trình nghiên cứu của CBGV trẻ Trường ĐH Đại Nam được tài trợ 60.000 USD để thực hiện chuyển giao công nghệ

Công trình nghiên cứu của ThS. Lê Trung Hiếu với sự hướng dẫn của PGS. Phạm Văn Cường – Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông và PGS Trần Thị Thanh Hải - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã nhận được đầu tư 60.000 USD...

Sau Hội nghị Quốc tế lần thứ 2 về Phân tích đa phương tiện và nhận dạng mẫu (MAPR) được hỗ trợ bởi VAPR (Hiệp hội nhận diện mẫu Việt Nam), bài báo khoa học “The Internet-of-Things based hand gestures using wearable sensors for human machine interaction” - Kết nối vạn vật dựa trên cử chỉ tay sử dụng cảm biến đeo được để tương tác giữa người và trí tuệ nhân tạo của ThS. Lê Trung Hiếu – Cán bộ Phòng Đào tạo Trường ĐH Đại Nam và các cộng sự đã nhận được tài trợ 60.000 USD để thực hiện các nghiên cứu tiếp theo và chuyển giao công nghệ.

ThS. Lê Trung Hiếu – Cán bộ Phòng Đào tạo Trường ĐH Đại Nam trình bày nghiên cứu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 2 “Multimedia Analysis and Pattern Recognition” (MAPR 2019) tại Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh

Đây là công trình nghiên cứu của ThS. Lê Trung Hiếu với sự hướng dẫn của PGS. Phạm Văn Cường – Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông và PGS Trần Thị Thanh Hải - Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Để hiểu sâu hơn về tính ứng dụng thực tiễn của đề tài, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng tác giả bài báo.

ThS. Lê Trung Hiếu là một trong những cán bộ giảng viên trẻ của Trường ĐH Đại Nam rất tích cực NCKH.

- Chào anh Lê Trung Hiếu! Cá nhân anh đánh giá như thế nào về vai trò của nghiên cứu khoa học đối với cán bộ, giảng viên ?

Đối với giảng viên tại một trường đại học, công tác giảng dạy luôn được coi trọng, là điều kiện cần và đủ đối với một giảng viên. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một nửa yêu cầu của hoạt động chuyên môn của người giảng viên. Tại ĐH Đại Nam, việc nghiên cứu khoa học (NCKH) lâu nay luôn được nhà trường đề cao, chú trọng, đặt ra như một nhiệm vụ bắt buộc, thường xuyên và là một tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu để đánh giá khả năng toàn diện của giảng viên.

NCKH giúp giảng viên có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức mới vào bài giảng của mình. Người giảng viên tham gia NCKH một mặt vừa củng cố lại kiến thức chuyên môn của mình, mặt khác vừa có điều kiện mở rộng, hiểu biết nhiều hơn những kiến thức từ các chuyên ngành khác. Quá trình tham gia NCKH sẽ góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học của giảng viên. Đồng thời hình thành ở giảng viên những phẩm chất của một nhà nghiên cứu.

-Anh có thể chia sẻ lý do vì sao anh lại chọn chủ đề IoT dựa trên cử chỉ tay sử dụng cảm biến đeo được để tương tác giữa người và trí tuệ nhân tạo làm đề tài nghiên cứu?

Hiện nay với thời đại công nghệ 4.0, đó là sự kết hợp cao độ giữa hệ thống siêu kết nối vật lý và kỹ thuật số với tâm điểm là internet, vạn vật kết nối (IOT) và trí tuệ nhân tạo đã trợ giúp cho con người trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, tự động hóa tòa nhà hay không gian sống thông minh là một trong những xu hướng nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống. Các hệ thống tự động hóa có mặt ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ những ứng dụng trợ giúp đơn giản như chuông cửa, điều khiển cửa ra vào cho đến việc tự động hóa các thiết bị điện tử gia dụng phức tạp hơn như hệ thống chiếu sáng, điều hòa, hệ thống loa đài tivi…Tay của chúng ta là bộ phận hoạt động chính xác và hiệu quả nhất khi con người sử dụng để ra lệnh điều khiển trong ngữ cảnh. Sử dụng tay cho phép vận hành các thiết bị bằng cử chỉ và loại bỏ tiếp xúc vật lý giữa người dùng và các vật dụng, từ đó mục tiêu hướng đến của đề tài là nghiên cứu và phát triển hệ thống điều khiển thiết bị một cách tự nhiên và hiệu quả kết hợp với IoT.

Kết quả sau công trình nghiên cứu này của tôi và các cộng sự hỗ trợ bộ dữ liệu mẫu cho cộng đồng nghiên cứu nhận dạng cử chỉ và rất hứa hẹn cho các ứng dụng thực tế với chi phí thấp.

ThS. Lê Trung Hiếu trình bày tập dữ liệu cử chỉ tay kết hợp với IoT.

-IoT dựa trên cử chỉ tay có ứng dụng thực tế như thế nào, thưa anh?

Nếu các bạn đã từng xem những bộ phim khoa học viễn tưởng của Marvel (Hãng phim của Mỹ) chúng ta có thể thấy siêu anh hùng Iron Man ( Người sắt) đã sử dụng cảm biến đeo tay để điều khiển các thiết bị cho các công việc của ông. Ví dụ như tắt bật hệ thống giám sát, điều khiển âm thanh, ánh sáng hay bộ giáp sắt của ông. Những phim viễn tưởng dần dần sẽ được trở thành hiện thực nhờ sự giúp sức của khoa học công nghệ thế kỷ 21.

Với sự phổ biến ngày càng tăng của các thiết bị IoT (Internet of Things), như các thiết bị thông minh đeo người (wearable) và các vật dụng gia đình thông minh, nhu cầu cải tiến cách thức người dùng tương tác với các thiết bị này ngày càng tăng.

Hơn nữa, sử dụng cử chỉ của con người có thể cho phép người dùng thực hiện cử chỉ của họ và tương tác với các thiết bị theo cách tự nhiên và không gặp khó khăn. Chính vì vậy nhận dạng cử chỉ tay đã thu hút đáng kể cộng đồng nghiên cứu vì nó có nhiều ứng dụng thực tế nhằm tương tác giữa con người và máy tính.

Một số bài toán nhận dạng cử chỉ tay đang được nghiên cứu và ứng dụng thực tế như: Phát triển các công cụ trợ giúp nói chuyện bằng tay, trẩn đoán cảm xúc của bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm hoặc tự kỉ, phát hiện nói dối, thực hiện di chuyển, điều kiển vật thể trong môi trường thực tế..

Cụ thể trong công trình nghiên cứu của tôi, sử dụng cử chỉ tay nhằm mục đích điều khiển nhà thông minh thông qua cử chỉ ví dụ như bật tắt đèn, tăng giảm volume âm thanh hay các điều khiển tự động khác trong nhà thông minh sử dụng cảm biến đeo tay.

IoT dựa trên cử chỉ tay sử dụng cảm biến đeo của ThS. Lê Trung Hiếu được giới chuyên môn đánh giá rất cao.

-Giới chuyên môn đánh giá như thế nào về IoT dựa trên cử chỉ tay sử dụng cảm biến đeo được để tương tác giữa người và trí tuệ nhân tạo?

Giới chuyên môn cụ thể là các nhà nghiên cứu trong Hội nghị MAPR đã đánh giá rất cao về tính nghiên cứu của bài báo này cũng như độ cấp thiết trong kỷ nguyên số hiện nay khi mà các thiết bị công nghệ thông minh ngày càng phát triển, mang lại nhiều tiện ích sử dụng, gắn liền với hoạt động của con người trong cuộc sống. IoT dựa trên các cử chỉ tay sử dụng cảm biến đeo được, giúp con người có thể xử lý các công việc giao tiếp với máy tính thông qua các cử chỉ. Bài báo nhận được nhiều quan tâm của các tổ chức như VAPR, MICA, Viện hàn lâm Công nghệ thông tin và các nhà nghiên cứu nước ngoài. Công trình đã nhận được tài trợ 60.000 USD để thực hiện các đề tài tiếp theo cho việc nhận dạng cử chỉ tay và chuyển giao công nghệ.

-Anh có thể “bật mí” những dự định trong thời gian sắp tới của mình?

Sắp tới, tôi có tham gia đề tài AFOSR 2020 cùng các cộng sự cụ thể tên đề tài là: Edge Intelligence based Hand Gestures Recognition using Wearable. Multimodal Sensors for Human Machine Interaction bao gồm 6 bài báo nhỏ sẽ tham dự 1 số hội nghị quốc tế trong và ngoài nước như: MAPR 2021 tại Việt Nam, ACPR 2021 tại hàn quốc, ICIP 2022 tại Pháp.

- Cảm ơn những chia sẻ của anh và chúc anh sẽ tiếp tục thành công hơn trong chặng đường sắp tới!

Thu Hòe (thực hiện)