06/05/2022

3164

Chia sẻ của GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp với Phòng Khảo thí DNU về lựa chọn phương pháp đánh giá và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi

Lựa chọn phương pháp đánh giá và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi là các công việc rất quan trọng của đo lường trong giáo dục. Lựa chọn phương pháp đánh giá phù hợp sẽ góp phần tác động trở lại quá dạy và học, trình nâng cao chất lượng đào tạo; Xây dựng ngân hàng câu hỏi thi là yêu cầu tất yếu của hoạt động đánh giá.

GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) là người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều bài viết sâu sắc về khoa học và công nghệ đo lường, đánh giá trong giáo dục. Phòng Khảo thí DNU đã xin gặp để lắng nghe chia sẻ của thầy về lựa chọn phương pháp đánh giá và xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Hướng tới triển khai thực hiện thuận lợi, hiệu quả công tác này tại DNU trong giai đoạn tới.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp và một trong những cuốn sách nổi tiếng của thầy.

Khảo thí DNU: Thưa thầy, khi lựa chọn phương pháp đánh giá, phần lớn giảng viên vẫn chọn tự luận mà hoàn toàn bỏ qua trắc nghiệm; vậy ưu thế của từng phương pháp đánh giá này?

Tự luận hay trắc nghiệm đều có những ưu thế riêng. Tự luận có ưu thế: ít tốn công ra đề thi; đánh giá được khả năng diễn đạt; thuận lợi cho việc đo lường các tư duy sáng tạo – phù hợp khi số lượng sinh viên ít. Trắc nghiệm có ưu thế: đề thi phủ kín nội dung môn học; ít tốn công chấm thi; khách quan trong chấm thi; hạn chế tiêu cực; có tính định lượng cao, áp dụng được công nghệ đo lường trong việc phân tích xử lý để nâng cao chất lượng các câu hỏi và đề thi; cung cấp số liệu chính xác và ổn định để sử dụng cho các đánh giá, so sánh trong giáo dục – phù hợp khi số lượng sinh viên đông. Điều này được tôi phân tích sâu ở cuốn sách “Đo lường trong giáo dục – Lý thuyết và ứng dụng”.

Khảo thí DNU: Thưa thầy, phương pháp trắc nghiệm có khả thi khi đánh giá kiến thức và kỹ năng?

Trắc nghiệm đánh giá được cả kiến thức và kỹ năng. Điều này phụ thuộc vào cách thức viết câu hỏi và đặc điểm của từng ngành nghề. Nội dung của bất kỳ câu hỏi tự luận nào đều có thể chuyển thể thành các câu hỏi trắc nghiệm để đánh giá kiến thức và kỹ năng tương ứng. Ban đầu người ta phân biệt rõ phương pháp tự luận và phương pháp trắc nghiệm, nhưng dần dần hai phương pháp này hội tụ lại với nhau. Câu hỏi tự luận, với cách cho điểm theo nhiều mức, chính là một câu hỏi trắc nghiệm đa phân, chỉ khác là câu hỏi tự luận cần có người chấm điểm trước chứ không thể chấm điểm tự động bằng máy.

Khảo thí DNU: Thưa thầy, khi triển khai đánh giá theo chuẩn đầu ra, nhiều giảng viên băn khoăn lựa chọn phương pháp nào để đánh giá được mức tự chủ và trách nhiệm?

Mức tự chủ và trách nhiệm đánh giá theo tự luận, trắc nghiệm hay vấn đáp cũng đều khó cả. Điều này được đánh giá tốt nhất, sát sao nhất là trong suốt quá trình đào tạo. Khi đó, vai trò của giảng viên trong đánh giá quá trình rất quan trọng.

Khảo thí DNU: Trường Đại học Đại Nam đào tạo theo định hướng ứng dụng thì phương pháp đánh giá nào là phù hợp?

Với định hướng ứng dụng thì đa dạng phương pháp đánh giá là phù hợp nhất. Ví dụ, trong một học phần có tính ứng dụng cao, phần đánh giá kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm sẽ được đánh giá thông qua thực hành, trải nghiệm; còn phần kiến thức có thể xem xét đánh giá thông qua trắc nghiệm.

Khảo thí DNU: Xu hướng đánh giá bằng phương pháp trắc nghiệm có hợp lý khi DNU đã kích off dự án chuyển đổi số.

Đánh giá bằng phương pháp trắc nghiệm đã được nhiều trường, nhiều tập đoàn lớn trên Thế giới triển khai đánh giá tiêu chuẩn chuẩn hóa quy mô lớn từ rất lâu (ETS, ACT...); Phần tự luận và bài viết thường rất hạn chế với số lượng câu/từ quy định trước. Định hướng đánh giá bằng trắc nghiệm là xu hướng hợp lý. Tuy nhiên, không phải tất cả đều đánh giá bằng trắc nghiệm. Cần căn cứ vào nội dung, mục tiêu của học phần, ưu thế của từng phương pháp mà lựa chọn phương pháp đánh giá và hướng tới đa dạng phương pháp đánh giá.

Hình ảnh kỷ niệm trong buổi gặp gỡ của Khảo thí DNU với GS.TSKH Lâm Quang Thiệp

Khảo thí DNU: Thưa thầy, xây dựng ngân hàng câu hỏi (NHCH) có ý nghĩa như thế nào?

Xây dựng NHCH là hết sức cần thiết trong hoạt động đánh giá. Việc xây dựng NHCH có nhiều ý nghĩa, từ các câu hỏi trong ngân hàng có thể xây dựng các đề thi theo nhu cầu mong muốn. đặc biệt là tạo ra được các đề thi tương đương (có mức độ đánh giá ngang nhau – Khảo thí DNU), đảm bảo được các yêu cầu trong hoạt động đánh giá người học. Để làm tốt, giảng viên cần có năng lực về đánh giá và cần thành thạo quy trình xây dựng NHCH.

Khảo thí DNU: Thưa thầy, mấu chốt trong quy trình xây dựng NHCH của một học phần là gì?

Khi đã có mục tiêu, chuẩn đầu ra học phần, nội dung giảng dạy của học phần thì mấu chốt trong quy trình xây dựng NHCH là xây dựng bảng ma trận kiến thức học phần (tôi hay gọi là Bảng ma trận đặc trưng nội dung - mục tiêu). Bảng này sẽ là căn cứ xây dựng cấu trúc đề thi; thông qua cấu trúc đề thi này để xây dựng bộ câu hỏi thi.

Khảo thí DNU: Thưa thầy, khó khăn lớn nhất khi xây dựng NHCHT?

Các khó khăn sẽ là khác nhau với từng cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là sự hạn chế trong hiểu biết của giảng viên về khoa học kiểm tra đánh giá. Phần lớn giảng viên quan tâm trau dồi phần nội dung giảng dạy, phương pháp giảng dạy mà bỏ qua hoặc coi nhẹ phần đánh giá. Trong khi phần đánh giá là rất quan trọng giúp kịp thời điều chỉnh, cải tiến hoạt động giảng dạy. Để khắc phục điều này, cần tiến hành tập huấn cho giảng viên và giảng viên cần thay đổi tư duy để sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng thay đổi.

Khảo thí DNU: Thưa thầy, các tài liệu về phương pháp đánh giá hiện nay không nhiều, cán bộ và giảng viên có thể tiếp cận thông qua kênh nào?

Các tài liệu về phương pháp đánh giá thường xuất bản với số lượng ít hoặc theo đơn đặt hàng nên nhiều cuốn hiện tại không mua được. Hiện nay, tôi đang có kế hoạch phổ biến về khoa học và công nghệ đo lường đánh giá trong giáo dục tới cộng đồng các trường đại học và cao đẳng thông qua một số khóa tập huấn online; đồng thời tổ chức phối hợp giữa các trường đại học để cùng nhau xây dựng các NHCH của các học phần có sự tương đồng ở các trường, nhằm giảm chi phí và nâng cao chất lượng.

Khảo thí DNU: Thưa thầy, cần lưu ý gì khi triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và tổ chức thi theo ngân hàng câu hỏi này ạ?

Tôi cho rằng muốn thi trên máy tình phải có ngân hàng câu hỏi tốt và phải có quy trình xây dựng các đề thi tương đương tại chỗ cho mọi thí sinh, có như thế thì kết quả mới có thể so sánh với nhau được. Các đề thi chọn ngẫu nhiên không tương đương nên việc so sánh kết quả với nhau không có ý nghĩa. Nếu chưa làm được như vậy thì bước đầu nên tổ chức thi trên giấy, sau đó dùng máy quét bài thi và chấm điểm, phân tích kết quả bằng phần mềm chuyên dụng. Khi có ngân hàng câu hỏi và phần mềm tốt sẽ thi trên máy tính đúng quy trình. Lúc đó cũng có thể thiết kế kỳ thi theo phương pháp Trắc nghiệm đáp ứng nhờ máy tính (CAT) như tôi có mô tả trong cuốn sách được giới thiệu trên đây. 

Khảo thí DNU: Trân trọng cảm ơn thầy. Kính chúc thầy luôn mạnh khỏe!

 

Phòng Khảo thí