03/04/2023

2720

Thực tập lâm sàng tại bệnh viện giúp sinh viên Y khoa DNU trưởng thành như thế nào?

“Thực tập lâm sàng tại bệnh viện giúp em hiểu rõ hơn về nghề thầy thuốc, áp dụng được lý thuyết vào thực hành, thực tế. Em không còn cảm thấy mơ hồ và khó xác định con đường của mình như trước. Khi bước chân vào bệnh viện, em hiểu rằng những điều được học tại đây sẽ là hành trang vô cùng quan trọng trên hành trình trở thành bác sĩ của mình”. Đó là chia sẻ của Nguyễn Hồ Bảo Trân – sinh viên lớp YĐK 14.01 - khoa Y - trường Đại học Đại Nam đang thực tập lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh–Pôn.

Hào hứng với vai trò bác sĩ thực tập

Thực tập lâm sàng bệnh viện không còn là thuật ngữ xa lạ đối với sinh viên Y khoa. Đây là quãng thời gian các bác sĩ tương lai làm quen việc “cắm viện, bám bệnh án”, củng cố kiến thức chuyên ngành, nâng cao tay nghề, trau dồi kỹ năng giao tiếp với bệnh nhân và đồng nghiệp.

Sinh viên Y khoa DNU tự tin bước vào kỳ thực tập lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn.

Lê Trung Hiếu – sinh viên lớp YĐK 14.02 chia sẻ: “Những ngày đầu chưa quen nên em thấy hơi đuối sức khi phải làm việc với cường độ cao và trực đêm. Bản tính nhút nhát cũng khiến em gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp với bệnh nhân và các y bác sĩ. Nhưng đó chỉ là những ngày đầu. Hiện tại em đã vượt qua vùng an toàn của bản thân, tự tin học hỏi và thực hiện thăm khám cho bệnh nhân dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ”.

Đỗ Lưu Ly – sinh viên lớp YĐK 14.02 bày tỏ: “Lần đầu tiếp xúc bệnh nhân trong vai trò bác sĩ thực tập khiến em có chút lo lắng. Sau một thời gian làm quen, em đã thích nghi với môi trường bệnh viện cả về cách làm việc, thủ tục cũng như nhịp độ sinh hoạt. Em không còn ngại những buổi giao ban, đi buồng hay trực đêm nữa…”

Mỗi ngày “đi viện” là một ngày vui và tràn đầy năng lượng với các bác sĩ tương lai DNU.

Nguyễn Hồ Bảo Trân cho biết: “Khi đặt chân vào bệnh viện, tiếp xúc và thăm khám trực tiếp cho người bệnh, em hiểu rằng những gì mình học trên giảng đường thực sự quan trọng và được áp dụng vào thực tiễn như thế nào. Vai trò và y đức của người bác sĩ vì sao lại được xã hội đề cao đến vậy”.

Bác sĩ bệnh viện tận tình hướng dẫn, thầy cô đồng hành suốt quá trình thực tập

Trong thời gian thực tập tại Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, sinh viên Y3 trường Đại học Đại Nam được tạo mọi điều kiện để học hỏi và thực hành nhiều nhất.

Dương Tường An – sinh viên lớp YĐK 14.01 chia sẻ: “Các bác sĩ tại khoa Nội Tim mạch – Thần kinh – Nội tiết của Bệnh viện đa khoa Xanh-Pôn rất bận rộn nhưng vẫn luôn dành thời gian hướng dẫn, dạy bảo chúng em cách mắc, đọc kết quả điện tim, các bệnh lý thần kinh, mạch máu…”

Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hà Đông tận tình hướng dẫn sinh viên Y3 Đại học Đại Nam.

Người bệnh yêu mến, tin tưởng.

Đỗ Lưu Ly – sinh viên lớp YĐK 14.02 cho hay: “Các bác sĩ và nhân viên Bệnh viện đa khoa Hà Đông luôn tạo điều kiện cho chúng em được học tập một cách bài bản nhất; được vào phòng thủ thuật, tiểu mẫu, tham gia các kíp mổ ngoại khoa; trực tiếp thăm khám bệnh nhân. Về sinh hoạt, chúng em cũng được tạo điều kiện về khu vực để đồ cá nhân, khu vực vệ sinh…”

Nguyễn Minh Nguyệt – sinh viên lớp YĐK 14.01 tâm sự: “Điều may mắn là chúng em gặp được những người thầy hào sảng, tận tình chỉ dạy, sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên. Ngay từ những buổi đầu, bác sĩ phụ trách đã chỉ dạy cho chúng em cách làm bệnh án và tận dụng làm sao để kỳ thực tập lâm sàng đạt hiệu quả cao. Không chỉ vậy, những người bệnh tại Khoa cũng nhiệt tình hỗ trợ, giúp chúng em hoàn thành mục tiêu học tập của mình”.

Trực đêm như một bác sĩ thực thụ.

Bên cạnh đó, ban lãnh đạo và các giảng viên khoa Y trường Đại học Đại Nam luôn đồng hành sát sao cùng sinh viên trong suốt quá trình thực tập. Không chỉ trực tiếp đưa sinh viên đến bệnh viện gửi gắm, thầy cô còn thường xuyên đi “thị sát” để nắm bắt tình hình học tập; đồng thời khích lệ tinh thần cho sinh viên.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh - Trưởng khoa Y “thị sát” tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của sinh viên.

Sinh viên Y khoa Đại học Đại Nam không hề thua kém ai

Sau gần 3 tuần thực tập, sinh viên Y3 trường Đại học Đại Nam đã thể hiện rõ sự tiến bộ trong chuyên môn, kỹ năng, khả năng thích nghi, ứng xử tốt trong môi trường làm việc, kết nối và mở rộng mối quan hệ với các bác sĩ, y tá, điều dưỡng và bệnh nhân tại bệnh nhiên. Giờ đây, những triệu chứng như run tay ở bệnh Parkinson, đau thắt lưng cột sống ở thoát vị đĩa đệm, đọc điện tim, bệnh án… cũng không làm khó được các bác sĩ tương lai của DNU.

Nguyễn Huy Lâm – sinh viên lớp YĐK 14.02 bày tỏ: “Thật sự em rất biết ơn thầy cô trong khoa đã giảng dạy những buổi lý thuyết xen lẫn thực hành đầy bổ ích. Điều đó giúp chúng em tự tin hơn khi đi học lâm sàng. Em có thể tự hào nói rằng sinh viên Y khoa của trường Đại học Đại Nam không hề thua kém ai”.

“Mong rằng KPI 12 bệnh án trong 12 tuần thực tập sẽ giúp chúng em nắm được 12 mặt bệnh; cùng với đó là ngọn lửa đam mê nghề sẽ giúp chúng em tìm ra phương pháp, cách tiếp cận phù hợp để bản thân ngày càng phát triển và tiến xa hơn với nghề”, Minh Nguyệt – sinh viên lớp YĐK 14.01 bày tỏ.

Theo các bác sĩ đi buồng hàng ngày để nắm bắt được tình trạng bệnh nhân.

Đỗ Lưu Ly chia sẻ: “Việc đi lâm sàng giúp em hiểu rằng, học phải đi đôi với hành. Không thể nói lý thuyết suông, nhất là đối với ngành y bởi đây là ngành cứu chữa con người. Nhận thức được điều đó, em càng phải cố gắng trau dồi, rèn luyện bản thân để trở thành một bác sĩ giỏi, có thể giúp những người đang nằm trên chiếc giường bệnh kia sớm khỏi bệnh và về nhà với người thân”.

Dương Trường An giãi bày: “Người xưa có câu: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Mà đợt thực tập này kéo dài 3 tháng, tức là em sẽ có cho mình một “túi sàng khôn”. Đây thật sự là một cơ hội, một hành trang quý báu đối với sinh viên Y khoa như em”.

Sự chăm chỉ, cầu tiến của sinh viên Y khoa trường Đại học Đại Nam chắc chắn sẽ để lại hình đẹp trong lòng các y bác sĩ và bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa Xanh-Pôn, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Những nỗ lực của sinh viên cũng chính là động lực để Khoa và Nhà trường tiếp tục mở rộng hợp tác chiến lược với các bệnh viện lớn trên cả nước; tạo điều kiện để sinh viên đi thực hành, thực tập và có cơ hội trở thành nhân viên chính thức của các cơ sở y tế uy tín.

Cách để trở thành sinh viên ngành Y khoa trường Đại học Đại Nam

04 phương thức tuyển sinh ngành Y khoa trường Đại học Đại Nam

Phương thức 1: xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023.

Phương thức 2: xét tuyển theo học bạ lớp 12 THPT (Tổng điểm trung bình năm lớp 12 theo tổ hợp 3 môn xét tuyển ≥ 24 điểm).

Phương thức 3: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nhà trường.

Phương thức 4: Xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài.

Tổ hợp xét tuyển ngành Y khoa

A00: Toán, Vật lý, Hóa học

A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh

B00: Toán, Hóa, Sinh

B08: Toán, Sinh, Anh

>>> ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN: TẠI ĐÂY

Khoa Y + BTT