23/06/2022

1763

Sinh viên Y khoa DNU: “Chưa bao giờ là muộn để bắt đầu học tiếng Anh”

Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu hiện nay. Việc ‘làm chủ’ tiếng Anh sẽ giúp người trẻ dễ dàng hội nhập và mở ra những thành công lớn trong sự nghiệp. Đặc biệt với sinh viên Y khoa, tiếng Anh càng trở nên cần thiết khi hầu hết các tài liệu, công trình nghiên cứu về Y học đều bằng tiếng Anh.

Và cứ 72 ngày thì kiến thức về Y khoa tăng lên gấp 2 lần. Chỉ có thành thạo tiếng Anh, người học và làm việc trong lĩnh vực Y khoa mới có thể học tập, nghiên cứu, nâng cao kiến thức y học đáp ứng yêu cầu công việc và chinh phục những nấc thang trong sự nghiệp của mình. Với phương châm “Chỉ cần có quyết tâm và cố gắng, dù bắt đầu ở thời điểm nào, học tiếng Anh chưa bao giờ là muộn” cùng chương trình đào tạo tiếng Anh đặc biệt của Nhà trường, các bạn sinh viên Khoa Y trường Đại học Đại Nam đã ‘hái trái ngọt’ khi phần lớn kết quả TOEIC đều đạt từ 700 – 900 điểm.

Tiếng Anh – phương tiện để sinh viên Y khoa học tập và chinh phục các nấc thang sự nghiệp

Xác định tiếng Anh là “vũ khí” cạnh tranh của sinh viên sau khi ra trường, Đại học Đại Nam đã đầu tư rất lớn để đào tạo tiếng Anh cho sinh viên ngành Y khoa (kinh phí đào tạo cao gấp 4 lần các ngành khác).

Cụ thể, sinh viên được kiểm tra chất lượng tiếng Anh đầu vào, chia lớp theo trình độ. Chương trình đào tạo không chỉ đảm bảo sinh viên thi đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh mà còn được đào tạo tiếng Anh nâng cao phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và làm việc sau này.

Tiếng Anh – Ngôn ngữ thứ hai của sinh viên Y khoa DNU

Tận dụng lợi thế đó, sinh viên Khoa Y luôn chú trọng và nỗ lực học tiếng Anh ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường. Từ mục tiêu học để đủ điều kiện tốt nghiệp, hiện tại, tiếng Anh đã trở thành một phần cuộc sống, thành ngôn ngữ thứ 2 của sinh viên Khoa Y.

Hoàng Gia Khánh – sinh viên lớp Y Đa khoa 14.01 ‘ẵm trọn’ 810 điểm.

Theo học TOEIC từ năm nhất đại học, Hoàng Gia Khánh – sinh viên lớp Y Đa khoa 14.01 ‘ẵm trọn’ 810 điểm, trong đó Nghe là 450 điểm và Đọc là 360. Đối với cậu sinh viên năm 2, đây là một kết quả xứng đáng cho một quá trình cố gắng và rèn luyện.

“Em nghĩ, học tiếng Anh chưa bao giờ là muộn. Có những người chỉ cần vài tháng là đã có thể đạt được điểm số mà họ mong muốn. Chỉ là bản thân có đủ quyết tâm để thực hiện điều đó không”, Khánh chia sẻ.

Đồng tình với chia sẻ của Gia Khánh, Cấn Khánh Linh – sinh viên lớp Y Đa khoa 14.01, đạt 720 điểm TOEIC, cho rằng: “Chỉ cần mình có quyết tâm và cố gắng, dù bắt đầu ở thời điểm nào, học tiếng Anh chưa bao giờ là muộn”.

Cấn Khánh Linh, sinh viên lớp Y Đa khoa 14.01 cho rằng bắt đầu học tiếng Anh từ bây giờ vẫn chưa muộn.

Bắt đầu làm quen với TOEIC từ năm nhất đại học, Vũ Quang Phú, lớp Y Đa Khoa 14.02 xác định rõ mục tiêu học tiếng Anh không phải để đủ điều kiện tốt nghiệp mà phải nói, nghe và hiểu được ngôn ngữ này. Đối với chàng bác sĩ tương lai, tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 của mình, cần dành nhiều thời gian trau dồi và rèn luyện. Sau hơn 1 năm học tập, Phú xuất sắc đạt 730 điểm TOEIC

“Quan niệm về tiếng Anh của mỗi người là khác nhau. Nhưng chỉ cần mình cảm thấy tiếng Anh là cần thiết, là quan trọng thì tự mình sẽ muốn học, dù là nghe nhạc, xem phim hay thậm chí là đọc sách”, Phú nói.

Vũ Quang Phú, lớp Y Đa Khoa 14.02 coi tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2 của mình

Vũ Hoàng Phương Thúy, lớp Y Đa khoa 14.01 quan điểm, việc bắt đầu học tiếng Anh chưa bao giờ là quá muộn so với lợi ích mà nó mang lại. Nhất là đối với sinh viên Y khoa, Tiếng Anh càng có vai trò quan trọng trong cuộc sống, học tập cũng như công việc tương lai.

“Tiếng Anh không phải yếu tố quyết định việc bạn học chuyên môn đến đâu, ra trường có việc làm hay không. Nhưng chắc chắn, khả năng phát triển của bạn sẽ giới hạn hơn so với những người có khả năng về ngoại ngữ”, Thuý chia sẻ.

Vũ Hoàng Phương Thúy, sinh viên lớp Y Đa khoa 14.01 xuất sắc đạt 815 điểm TOEIC.

Tiếng Anh không phải môn học khó nếu chúng ta đủ yêu thích và dành thời gian trau dồi. Theo Tăng Khương Duy - sinh viên lớp Y Đa khoa 14.01, thay vì cứ đắn đo ‘học tiếng Anh đã muộn chưa’, chúng ta nên đặt ra mục tiêu và có kế hoạch ‘chinh phục’ cụ thể.

“Bắt đầu thời điểm nào không quan trọng bằng việc chúng ta có thật sự nỗ lực phấn đấu hay không. Chỉ cần có công rèn luyện, chắc chắn có một ngày sẽ đạt điểm tiếng Anh cao”, Duy quả quyết.

Tăng Khương Duy – chàng trai giành 770 điểm TOEIC.

Đỗ Trọng Hiếu, sinh viên Y Đa khoa cũng khẳng định: “Tiếng Anh không khó. Cái khó ở đây là sự lười biếng và hời hợt của các bạn đối với tiếng Anh. Bây giờ bắt đầu học tiếng Anh không phải là quá muộn. Các bạn còn rất nhiều thời gian để làm lại từ đầu. Các bạn cần phải có ý chí, nghị lực, tính nhẫn nại và kiên trì, chắc chắn việc lấy 700-800 hay 900 điểm TOEIC rất dễ dàng”.

Đỗ Trọng Hiếu ‘giật’ 720 điểm TOEIC trong kỳ thi vừa qua.

02 phương thức xét tuyển vào ngành Y khoa Trường Đại học Đại Nam

- Phương thức 1: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm trúng tuyển theo ngưỡng đảm bảo chất lượng. (Năm 2021 điểm chuẩn ngành Y khoa là 22 điểm).

- Phương thức 2: Xét 03 môn theo tổ hợp xét tuyển lớp 12, điểm nhận hồ sơ từ 24 điểm. Thí sinh có học lực lớp 12 xếp loại Giỏi.

>>> ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN: TẠI ĐÂY

Ban Truyền thông