16/01/2022

1415

Bí kíp tạo động lực khi học online ở nhà 

Việc phải học trực tuyến (online) ở nhà trong thời gian dài dù mang lại nhiều lợi ích trong tình trạng hiện tại, nhưng phần nào đã ảnh hưởng đến việc học, đến tâm lý của các bạn học sinh, sinh viên.

Dù là người chăm học hay yêu thích việc học đến mức nào, sẽ vẫn có những khi bạn cảm thấy chán nản và mất động lực học tập. Vậy, cần làm gì để tạo động lực?

1. Tạo ra một không gian học tập hứng khởi 

Một góc học tập được sắp xếp gọn gàng và tiện nghi sẽ góp phần khơi gợi sự hứng thú để bạn bắt tay ngay vào việc học. Chúng ta sẽ rất chán nản và mất tập trung nếu như bàn học tập bừa bộn hay khi ta không thể tìm thấy những đồ dùng khi cần. Tuy nhiên chúng ta cũng không cần phải trang trí một góc học tập quá hoành tráng hay sang trọng. Chỉ cần đó là một góc học tập sạch sẽ, ngăn nắp, chúng sẽ tạo cảm giác thoải mái và khiến bạn chỉ muốn ngồi vào bàn học.  

2. Xác định mục tiêu rõ ràng  

Để đạt được kết quả như mong muốn, mục tiêu của bạn đặt ra phải rõ ràng, và nên theo từng giai đoạn nhỏ cụ thể. Chính vì thế, hãy lên một danh sách mục tiêu cụ thể  là một biện pháp hiệu quả để duy trì động lực cho bản thân. Hãy viết mục tiêu của mình và dán trước bàn học để tạo động lực hoàn thành mục tiêu của mình nhé!  

3. Tìm ra phương pháp học phù hợp cho bản thân 

Động lực học ở mỗi con người là khác nhau. Theo Neil Fleming và David Baume, có 4 phương pháp học chính: 

  • Trực quan (Visual) – những người học bằng hình ảnh 

  • Thính giác (Auditory) – những người học bằng cách nghe 

  • Đọc/ viết (Reading/ Writing) – những người học bằng cách đọc và viết 

  • Động học (Kinesthetic) – những người học bằng hình thức vận động 

Chúng ta nghe rất nhiều chia sẻ từ các tiền bối, các thủ khoa hay các nguồn khác nhau. Tuy nhiên, cách học với người này có thể không phù hợp với bạn như cách học của người kia. Hãy thử hết tất cả phương pháp và chọn ra cho mình cách học phù hợp nhất để lĩnh hội được tất cả các kiến thức. Chỉ cần đi đúng cách, học đúng phương pháp, các bạn sẽ tiếp thu nhanh hơn và sâu hơn. 

4. Học cùng một người bạn mang lại năng lượng tích cực 

Có câu "Học thầy không tày học bạn"! Bạn hãy tìm cho mình những người bạn học cùng phù hợp và tỏa ra được những năng lượng tích cực trong học tập, đó sẽ là điểm tựa để tất cả cùng nhìn nhận và phấn đấu cho những mục tiêu của riêng mình. 

5. Hạn chế những thứ làm ảnh hưởng việc học tập 

Bạn rất dễ đánh mất sự tập trung của mình bởi những yếu tố như đang học thì lướt Facebook, xem video trên youtube, tán dóc với bạn bè hoặc được rủ đi chơi chẳng hạn. Những yếu tố này rất khó để loại bỏ theo ý muốn của bản thân vậy nên bạn phải làm cách nào để hạn chế được hết mức tình trạng này và ưu tiên cho việc học. 

Một cách khá hiệu quả để áp dụng đó là bạn nên lập cho mình một bảng thời gian biểu, trong khoảng thời gian đó bạn ưu tiên tối đa cho việc học và gạt bỏ những yếu tố gây nhiễu ra khỏi tâm trí. 

6. Cân bằng thời gian học và thời gian nghỉ ngơi 

Việc cố gắng nhồi nhét kiến thức và căng thẳng trong một thời gian dài mà không có lúc nào thư giãn sẽ khiến bộ não của chúng ta mệt nhoài và dễ dàng chán nản. Hãy cho bản thân giải lao sau mỗi 45 phút để việc học đạt hiệu quả cao nhất có thể.  

Khi nghỉ ngơi, đừng nghĩ về việc học. Ngược lại, hãy làm những gì bạn yêu thích. Bạn có thể ngủ, xem một tập phim yêu thích, nghe một bản nhạc hay hoặc đi mua sắm. Thậm chí, tự mua cho mình những món ăn ngon cũng là một cách giúp lấy lại năng lượng và động lực học tập hiệu quả.