12/10/2022

1562

Đi tìm phương pháp học tập hiệu quả cho tân sinh viên ngành Điều dưỡng DNU

Đặc thù của khối ngành Sức khỏe là lượng kiến thức “khổng lồ”, học lý thuyết phải gắn liền với thực hành. Do đó, chuyện sinh viên Điều dưỡng “ăn ngủ” cùng bài vở không có gì ngạc nhiên. Tuy nhiên, các tân sinh viên K16 đừng sợ không theo kịp chương trình đào tạo. Học tập hiệu quả đều phải có phương pháp đấy, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Phương pháp học trên lớp

Tân sinh viên nên đọc giáo trình trước khi đến lớp để nắm qua về nội dung bài học. Khi nghe giảng trên lớp, hãy rèn cho mình sự tập trung cao nhất. Nếu bạn bị cận thị hoặc khả năng tập trung không cao hãy xin ngồi lên ngồi bàn đầu.

Ngoài ra, hãy rèn cho bản thân khả năng viết tốc kí, viết có chọn lọc và khả năng phản biện ngay cả khi đang ghi chép. Gạch chân những chỗ trọng tâm của bài để nhớ lâu hơn. Chỗ nào chưa hiểu cần chủ động hỏi các thầy cô hoặc đọc thêm sách giáo khoa, tài liệu tham khảo.

Phương pháp học thực hành

Tại Khoa Điều Dưỡng, thời gian thực hành, thực tập của sinh viên chiếm 2/3 tổng thời gian học, tức là một tiết lý thuyết sẽ có ba tiết thực hành. Ngoài việc thực hành trên mô hình, thực tập tại các cơ sở y tế trong nước, sinh viên Khoa Điều dưỡng DNU còn được thực tập tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc theo chương trình hợp tác thực tập Internship.

Đại học Đại Nam ký kết với Công ty CP hợp tác lao động và thương mại Labco.

Để có kỹ năng tốt tại phòng thực hành tiền lâm sàng (skills-lab), trước tiên sinh viên Điều dưỡng cần phải nắm vững lý thuyết. Thứ hai, trong phòng Lab, cần quan sát kỹ phần thực hành của giảng viên/cán bộ hướng dẫn; dùng bảng kiểm kỹ năng để ghi chép từng bước thực hiện, thắc mắc của bản thân để giáo viên kịp thời giải đáp, hướng dẫn lại.

Sinh viên Điều dưỡng DNU học thực hành tại Phòng Lab.

Phương pháp học học sâu, nhớ lâu

Trước khi ghi nhớ, chúng ta phải đọc kỹ nội dung chính của bài học, đánh dấu những phần trọng tâm, các ý chính bằng bút highlight. Sử dụng phương pháp xây dựng sơ đồ nội dung kiểu cành cây hoặc theo số đếm để ghi nhớ nội dung chính của bài học; kết hợp tìm hiểu mối liên quan và sự logic giữa các thông tin. Với cách này, chúng ta thuộc rất nhanh và nhớ bài lâu.

Bên cạnh đó, sinh viên nên thường xuyên bổ sung kiến thức bằng tham khảo tài liệu, tra cứu trên mạng Internet.

Phương pháp khi đi lâm sàng

Điều đầu tiên sinh viên ngành Điều dưỡng cần vượt qua, đó là sự rụt rè, tự ti. Các bạn nên chủ động giao tiếp, hỏi han, động viện và chia sẻ cùng người bệnh, xây dựng mối quan hệ và tạo niềm tin cho họ. Khi bệnh nhân tin tưởng, họ sẵn sàng giúp đỡ bạn hoàn thành công việc, nhiệm vụ.

Khi đi lâm sàng, cần nhớ, phải bám sát giảng viên, các Bác sỹ, Điều dưỡng trong khoa khi đi khám bệnh; học hỏi và quan sát kỹ quy trình khám bệnh, làm thủ thuật… chỗ nào không hiểu phải hỏi lại người hướng dẫn ngay. Ghi chép cẩn thận những gì mình học được khi đi lâm sàng; trao đổi với bạn bè để cùng nhau rút kinh nghiệm.

Sinh viên thực thập lâm sàng tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.

Phương pháp khi đi trực

Đi trực là khoảng thời gian mà các bạn học được nhiều nhất, các bạn sinh viên nên tận dụng, cố gắng học tập. Khi tiếp đón bệnh nhân, các bạn nên tranh thủ hỏi bệnh, thăm khám tóm tắt triệu chứng và đưa ra sơ bộ chẩn đoán của mình trước. Sau đó, so sánh, phân tích nhận định ban đầu của mình với kết luận chẩn đoán của Bác sỹ để rút kinh nghiệm.

Hơn hết, cần theo sát Bác sỹ, Điều dưỡng trực xem cách họ khám bệnh và làm thủ thuật; xin phụ giúp và nhờ anh/chị hướng dẫn.

Với những phương pháp học tập trên, hy vọng tân sinh viên K16 sẽ vững tin học tập và trở thành những Điều dưỡng giỏi trong tương lai.