08/06/2021

9882

Kỹ năng mềm – dạy từ những điều nhỏ nhặt nhất

“Ngoài việc truyền dạy kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc để kiến tạo tương lai hãy dạy sinh viên kỹ năng mềm, đạo đức từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống thường ngày…” Đó là chỉ đạo của TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT, Trường ĐH Đại Nam khi đưa kỹ năng mềm trở thành môn học chính khóa của Nhà trường.



DNU - Trường đại học tiên phong dạy kỹ năng mềm cho sinh viên.

Ngay từ những ngày đầu thành lập (2007), Trường ĐH Đại Nam đã rất chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Với kinh nghiệm tuyển dụng, quản lý nhân sự trên cương vị tổng giám đốc của một ngân hàng cổ phần lớn, TS. Lê Đắc Sơn – Chủ tịch HĐQT đã mang những bài học“xương máu” về tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng áp dụng vào chương trình đào tạo.



Ngay từ những ngày đầu thành lập (2007), Trường ĐH Đại Nam đã rất chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. 

TS. Lê Đắc Sơn chỉ rõ, bên cạnh kiến thức chuyên môn, các doanh nghiệp rất quan tâm đến kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc nhóm và thái độ sống của người lao động. Kỹ năng mềm đã trở thành một trong những tiêu chí tuyển dụng quan trọng của các doanh nghiệp. Trong khi đó, giáo dục đại học ở Việt Nam đang quá thiên về đào tạo kỹ năng cứng. Đây chính là lý do khiến sinh viên ra trường không xin được việc làm, mất quá nhiều thời gian để hòa nhập, thích ứng với yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

“Kiến thức chuyên môn, công nghệ thông tin, ngoại ngữ và kỹ năng mềm là những yếu tố sinh viên cần phải giỏi để đảm bảo sau khi ra trường có thể xin được việc làm và phát triển tốt ở doanh nghiệp”, TS. Lê Đắc Sơn nhấn mạnh.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên, Ban giám hiệu Trường ĐH Đại Nam đã giao cho Khoa Quản trị Kinh doanh xây dựng và áp dụng giảng dạy Bộ môn Kỹ năng mềm thông qua các hoạt động trải nghiệm thiết thực, bổ ích của “Trại huấn luyện kỹ năng mềm”.

“Trường đại học có trách nhiệm giúp sinh viên lấp đầy lỗ hổng về kỹ năng mềm. Các kỹ năng mềm học được trong trường đại học sẽ trở thành tiền đề quan trọng cho việc hình thành kỹ năng làm việc, kỹ năng sống giúp sinh viên kiến tạo sự nghiệp vững vàng trong tương lai…”, TS Lê Đắc Sơn chia sẻ.



Trường ĐH Đại Nam là một trong số rất ít các trường đại học tiên phong trong việc dạy kỹ năng mềm cho sinh viên.


Trong khi việc giảng dạy kỹ năng mềm đang rất thịnh hành và phổ biến trên thế giới thì tại Việt Nam, khái niệm kỹ năng mềm vẫn còn khá mới mẻ, đặc biệt việc đưa kỹ năng mềm thành môn học chính khóa còn rất hạn chế. Trường ĐH Đại Nam là một trong số rất ít các trường đại học tiên phong trong việc dạy kỹ năng mềm cho sinh viên.

 “Ngày chúng tôi đi mời giảng viên dạy kỹ năng mềm, nhiều người còn mung lung về khái niệm này. Kỹ năng mềm là kỹ năng gì? Kỹ năng mềm có phải là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình hay kỹ năng đàm phán không?... Và ĐH Đại Nam là một trong những trường đại học đầu tiên trên cả nước đưa chương trình giảng dạy kỹ năng mềm trở thành môn học chính khóa”, ThS. Phạm Văn Minh - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Trường Bộ môn Kỹ năng mềm – Trường ĐH Đại Nam kể.

Dạy kỹ năng mềm từ những điều nhỏ nhất

Thực hiện chỉ đạo của TS. Lê Đắc Sơn:“Hãy dạy sinh viên kỹ năng mềm, đạo đức từ những điều đơn giản nhất trong cuộc sống thường ngày”, Bộ môn Kỹ năng mềm đã quyết định đưa nội dung giảng dạy về đạo đức và văn hóa chào hỏi vào chương trình học.

Những điều tưởng chừng như đơn giản, nhỏ nhặt trong cuộc sống, như: Đi thưa, về chào; ngồi vào mâm cơm biết mời người lớn hơn mình… lại là điều mọi gia đình đang mong muốn bởi cuộc sống hiện đại đang bị “khủng hoảng tiếng chào”, đặc biệt là trong giới trẻ. 

“Bản tính của người Việt thích giao tiếp song lại rụt rè. Việc thực tập chào hỏi sẽ giúp các bạn trẻ vượt qua được rào cản của bản thân, xóa bỏ sự ngại ngùng, xấu hổ, hình thành thói quen giao tiếp và ứng xử tốt trong cuộc sống…”, ThS. Phạm Văn Minh chia sẻ về việc dạy thực hành kỹ năng chào hỏi cho sinh viên trong chương trình Kỹ năng mềm 2 của Trường ĐH Đại Nam.

"Ấn tượng đầu tiên của bất cứ ai khi bước chân đến Trường ĐH Đại Nam là hình ảnh các bạn sinh viên trong đồng phục áo cam xếp thành hai hàng nghiêm ngắn, cúi chào lịch sự và lễ phép. Thực tế, sau khi trải nghiệm chương trình Kỹ năng mềm 2, kỹ năng giao tiếp, ứng xử của sinh viên trong trường tốt hơn rất nhiều. Điều này được thể hiện thông qua sự lễ phép của các em với thầy cô, thái độ ứng xử của các em với nhau và việc sử dụng ngôn ngữ hành vi trong môi trường học đường cũng tốt hơn rất nhiều..." ThS. Minh nói.

Chương trình Kỹ năng mềm 2 tập trung dạy kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và làm việc nhóm. Trong đó, nội dung giảng dạy kỹ năng giao tiếp giúp người học phải hiểu được tầm quan trọng của việc giao tiếp; biết được cách giao tiếp, ứng xử và các yếu tố để giao tiếp ứng xử thành công; cách sử dụng giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ để đạt kết quả cao nhất… 

Được biết, kỹ năng mềm được Trường ĐH Đại Nam triển khai giảng dạy từ khóa 9 (năm học 2015-2016). Tính đến nay, chương trình Kỹ năng mềm đã giảng dạy được 3 niên khóa và đã gặt hát được rất nhiều thành công. Hiện Bộ môn Kỹ năng mềm của Nhà trường vẫn đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung trương trình đào tạo, cập nhật các nội dung, hình thức giảng dạy kỹ năng mềm mới, hiện đại để giúp sinh viên trang bị tốt nhất các kỹ năng cần thiết để làm giàu hành tranh vào đời của mình

 

Dung Đoàn