30/11/2022

1536

Khoa Công nghệ thông tin trường Đại học Đại Nam làm gì để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp?

Với chủ trương đẩy mạnh hợp tác đào tạo nguồn nhân lực Công nghệ thông tin (CNTT) chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, sinh viên ra trường có việc làm đúng chuyên ngành với mức thu nhập cao; trong những năm qua, trường Đại học Đại Nam không ngừng mở rộng hợp tác doanh nghiệp, đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với xu thế và theo “đơn đặt hàng” của doanh nghiệp, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên Nhà trường.

Doanh nghiệp cần gì ở nguồn nhân lực CNTT?

Cuộc CMCN 4.0 có sự thay đổi về chất khi kết hợp thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật với những công nghệ nổi trội như: Internet of Things (IoT), Internet of Services (IoS), Robotics, Big Data, Block Chain… tạo nên môi trường sản xuất thông minh. Các doanh nghiệp CNTT cũng phải chuyển mình phù hợp với xu thế đó để tồn tại và phát triển.

Yêu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT tại các doanh nghiệp cũng vì vậy mà khắt khe hơn. Theo đó, sinh viên muốn “trụ vững” trong ngành CNTT phải đáp ứng các tiêu chí: giỏi chuyên môn, vững kỹ năng, có trách nhiệm, thái độ làm việc tốt, có thể bắt tay vào công việc ngay mà không mất nhiều thời gian đào tạo lại; thức thời với xu thế phát triển của thời đại để tự rèn luyện và nâng cao chuyên môn, kỹ năng.

Sinh viên CNTT Trường Đại học Đại Nam được thực hành, thực tập ngay từ năm nhất và xuyên suốt trong 4 năm học.

Thay đổi thức thời trong đào tạo của khoa CNTT

Xây dựng chương trình đào tạo mới trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0

Chương trình đào tạo mới đã được bổ sung các luồng kiến thức:

  • Luồng công nghệ dữ liệu bao gồm các học phần: Hệ thống thông tin địa lý; Xác suất thống kê và phân tích dữ liệu; Hệ quản trị cơ sở dữ liệu; Công nghệ dữ liệu,…
  • Luồng kiến thức về chuyển đổi số và ứng dụng bao gồm các học phần: Chuyển đổi số; AI; Khởi nghiệp sáng tạo, …
  • Luồng kiến thức về công nghệ mới: Big Data; Big Data nâng cao; Triển khai ứng dụng AI, IoT,…

Với chương trình đào tạo mới, mỗi tuần sinh viên đều có một buổi thực tập CNTT tại xưởng thực hành của Trường. Ngoài ra, Nhà trường còn kêu gọi các doanh nghiệp liên kết đầu tư các xưởng thực hành hiện đại, như:

  • Xưởng thực hành về trí tuệ nhân tạo;
  • Xưởng thực hành về công nghệ Block Chain;
  • Xưởng thực hành về phân tích dữ liệu lớn (Big Data).

Tăng cường gắn kết doanh nghiệp trong quá trình đào tạo

Phối hợp với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo đang được đẩy mạnh tại khoa CNTT. Cụ thể, doanh nghiệp có cơ hội góp ý, điều chỉnh hợp lý nội dung đào tạo đáp ứng yêu cầu của chính doanh nghiệp. Mặt khác, tiếp nhận, hướng dẫn thực tập cho sinh viên có thể coi là quá trình chuẩn bị tích cực nhân lực của doanh nghiệp.

Đại diện CT TNHH USOL Việt Nam tham quan môi trường học tập, trao đổi cùng sinh viên CNTT.

Nhà trường có cơ hội điều chỉnh chương trình đào tạo, giảng viên nắm bắt thực tiễn, đảm bảo cho sự thành công của chương trình đào tạo mới. Sinh viên được thực hành, thực tập trong môi trường chuyên nghiệp, hiện đại và có cơ hội việc làm tốt sau khi ra trường.

Trong thời gian qua, Nhà trường đã ký biên bản ghi nhớ phối hợp đào tạo CNTT với các công ty: CTCP chứng khoán KB Việt Nam; CTCP ThriveDX, Israel; CTCP MISA; CTCP Phần mềm Phương Đông; CTCP Chuỗi tư duy – MindChain; CT TNHH USOL Việt Nam,…

CTCP Chuỗi tư duy – MindChain cam kết đồng hành cùng Trường Đại học Đại Nam đào tạo các “kỹ năng mềm, thực chiến” cho sinh viên CNTT.

Công ty CP MISA Hà Nội đảm bảo tạo điều kiện cho sinh viên CNTT đến thực tập và tiếp nhận làm việc sau khi ra trường.

Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên

Đội ngũ lãnh đạo Khoa CNTT rất chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho các giảng viên. Các Xemine hàng tuần bồi dưỡng cách giảng dạy lập trình tối ưu trên lớp, trao đổi sử dụng hiệu quả phần mềm trình diễn Powerpoint, hướng dẫn sinh viên tự học hay các Xemine về các kết quả nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng về AI, Block Chain...

Đội ngũ cán bộ, giảng viên hùng hậu của khoa CNTT.

Ngoài ra, Khoa rất chú ý giới thiệu các giảng viên có học hàm, học vị cao, có trình độ chuyên môn, đã qua thực tế công tác tại các doanh nghiệp CNTT để Trường tuyển dụng.

Khoa CNTT là một trong những khoa được thành lập sớm nhất của Trường ĐH Đại Nam. Đến nay, khoa đã tuyển sinh được 16 khóa với 12 khóa sinh viên đã tốt nghiệp ra trường.

Theo thống kê hàng năm, tỷ lệ sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành đạt 100%. Rất nhiều cựu sinh viên của khoa đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp với mức thu nhập cao trên 1.000 USD.

 

                                             Nguyễn Văn Tuấn